Hôm nay 7/5, Quốc hội nghe trình bày dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Ngày 7/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng ngày 6/5. (Nguồn: Quốc hội)
Cụ thể, buổi sáng: Quốc hội nghe đại diện Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều: Các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
* Trước đó, ngày 6/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.
Tại phiên thảo luận có 25 đại biểu Quốc hội phát biểu, 3 ý kiến đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu tập trung thảo luận về: Bố cục; giải thích từ ngữ; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; những việc không được làm; chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, đạo đức, vị trí, vai trò, chức danh, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chế độ tập sự, thử việc, tuyển dụng nhà giáo; tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập; chính sách ưu đãi, thu hút, hỗ trợ, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bảo vệ nhà giáo.
Bên cạnh đó là chế độ làm việc, nghỉ hưu, tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; tiêu chuẩn chức danh và chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; khen thưởng, tôn vinh, kỷ luật nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự đối với nhà giáo; vấn đề dạy thêm, học thêm; những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo; xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của một số luật liên quan…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự Luật Nhà giáo đang quy định cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, thực hiện việc tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập.
Điều này sẽ giải quyết, tránh việc một giáo viên phải thi nhiều chỗ, nếu một chỗ không đạt và việc sử dụng biên chế trong phạm vi cấp tỉnh tốt hơn. Đồng thời với đơn vị quản lý giáo dục cấp tỉnh, trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức hội đồng, đảm bảo các đề thi, nội dung sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo tinh thần phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị cần lưu ý tinh thần ở nơi đâu sử dụng lao động thì nơi đó có quyền được tuyển dụng.
Về ý kiến mong muốn mở rộng các đối tượng hưởng chính sách, định danh nghề nhà giáo, Bộ trưởng nêu dự luật quy định đối tượng là những người làm nghề nhà giáo, với tư cách một nghề chuyên nghiệp, đạt chuẩn, còn các đối tượng khác như nhân viên nhà trường, tham gia trong quá trình giáo dục, hoạt động giáo dục sẽ có các quy định khác.
"Chúng tôi đồng ý việc mở rộng, huy động các đối tượng khác tham gia vào quá trình giáo dục, điều đó sẽ được quy định trong Luật Giáo dục. Còn trong dự luật này chỉ thống nhất các đối tượng như vậy", ông Sơn nhấn mạnh.