Hơn 4.200 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong chỉ trong 1 tháng
Từ ngày 18/2 đến 17/3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo số 379/BC-BYT về công tác y tế trong tháng 3/2022 gửi Văn phòng Chính phủ ngày 21/3, Bộ Y tế cho biết từ ngày 18/2 đến 17/3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương.
Đây cũng là hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm nay.
Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết giảm 65,4% và số tử vong giảm 4 trường hợp.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu mới. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 1 trường hợp mắc, không tử vong; so với cùng kỳ năm 2021 (6/1), số mắc giảm 5 trường hợp.
Viêm não vi rút, trong tháng ghi nhận 8 trường hợp mắc, không tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 28 trường hợp mắc, không tử vong;so với cùng kỳ năm 2021 (81/0), số mắc giảm 65,4%.
Tay chân miệng, trong tháng ghi nhận 202 trường hợp mắc, không tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 406 trường hợp mắc, không tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (11.871/01), số mắc giảm 29,2 lần.
Sốt phát ban nghi sởi, trong tháng ghi nhận 4 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 7 trường hợp mắc, không tử vong; so với cùng kỳ năm 2021 (104/0), số mắc giảm 97 trường hợp.
Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh sốt xuất huyết là do virus Dengue gây nên, là bệnh thường gặp ở các nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Có thể nói đây là một bệnh gây thành dịch và ở năm nào Việt Nam cũng xuất hiện bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết sẽ phát triển từ tháng 6,7 cho tới 11,12 ở Miền Bắc còn tại Miền Nam số lượng ca mắc sốt xuất huyết cũng sẽ tăng.
“Bắt đầu từ tháng 6 đi vào mùa dịch của sốt xuất huyết Dengue, con đường lây truyền qua muỗi mà đặc điểm của muỗi là có thể sống ở bụi cây quanh nhà và nếu theo ghi nhận của 2017 và 2019 thì ở những vùng dân cư đông đúc dễ lây truyền sốt xuất huyết Dengue hơn”, BS Thư cho hay.
Thời gian ủ bệnh thường từ 1-2 tuần, sau đó bệnh nhân có các biểu hiện của sốt cao, đau mỏi người đặc biệt là đau đầu, nhức hốc mắt. Sau đó bắt đầu từ ngày thứ 5 trở đi thì bệnh nhân có thể có các dấu hiệu nặng như xuất huyết, cô đặc máu, tụt huyết áp có thể dẫn đến tử vong.
“Thường trong những ngày đầu thì có bệnh cảnh lâm sàng giống với những trường hợp sốt virus, do vậy người bệnh có thể chủ quan chỉ uống thuốc hạ sốt ở nhà mà không đến bệnh viện để theo dõi. Đến ngày thứ 4,5 trở đi thì bắt đầu có diễn biến nặng như cô đặc máu lúc đó nếu không được theo dõi kịp thời sẽ diễn biến nặng hơn. Chính vì vậy, trong mùa dịch của sốt xuất huyết, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao trong những ngày đầu tiên nên đến viện thăm khám để sàng lọc sốt xuất huyết”, bác sĩ Thư cho biết.
Bác sĩ Thư nhấn mạnh, bệnh sốt xuất huyết Dengue hiện vẫn chưa có vaccine phòng tránh. Bởi vậy, cách tốt nhất mà người dân nên làm là giảm số lượng muỗi bằng việc khơi thông cống rãnh, dọn dẹp các bụi cây,… Bên cạnh đó, người dân cũng cần có các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi bị muỗi đốt.