Hơn 46.000 bài báo viết về phòng, chống thiên tai

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức buổi Tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng, chống thiên tai.

Phòng, chống thiên tai truyền thông rộng rãi qua báo chí

Theo ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ đầu năm đến nay, có 392 nguồn báo với 46.318 tin bài tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai. Nội dung tiêu cực 19.13%, trung lập 9.56%, tích cực 71.31%.

Theo ông Lợi, các hoạt động hợp tác của cơ quan báo chí, doanh nghiệp..., được truyền thông rộng rãi qua báo chí, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm về phòng, chống thiên tai phù hợp qua các kênh chính thống.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng, chống thiên tai.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng, chống thiên tai.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Phó trưởng Phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và Truyền thông, cũng nhìn nhận báo chí đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai (PCTT), đảm bảo tính công khai, chính xác, nhanh chóng trong thông tin đến cộng đồng.

Báo chí đồng hành nâng cao nhận thức xã hội và thúc đẩy hành động chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, là cầu nối giữa cơ quan quản lý và người dân, giúp truyền tải thông tin chính xác, kịp thời, như: cảnh báo sớm, truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai; giúp người dân nắm bắt kịp thời các khuyến cáo, hướng dẫn ứng phó, sơ tán khi cần thiết; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng (nhận diện rủi ro, biện pháp phòng tránh, kiến thức an toàn,..); truyền thông chính sách về quản lý rủi ro thiên tai...

Bà Ái cho biết, thời gian tới, cục sẽ phối hợp với cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về thể chế chính sách về phòng, chống thiên tai trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, đưa tin về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bộ, nghành liên quan...Trong đó, ưu tiên truyền thông dựa trên cảnh báo sớm và hướng dẫn hành động cụ thể, giúp người dân chủ động ứng phó theo từng loại hình thiên tai...

Báo chí thiếu ngân sách đầu tư

Bên cạnh vai trò, đóng góp của báo chí với công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi cũng nhìn nhận, hoạt động tuyên truyền về phòng, chống thiên tai thông tại nhiều cơ quan báo chí vẫn còn gặp khó khăn: nhân lực còn mỏng và thiếu chuyên nghiệp; nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, thiếu tính tương tác; việc ứng dụng công nghệ và nền tảng số còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bên liên quan đôi khi chưa hiệu quả…

Nhiều cơ quan báo chí thiếu ngân sách đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng đều; đội ngũ phóng viên, biên tập viên chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng tuyên truyền; nguy cơ tin giả, thông tin xấu độc, an ninh mạng…

Ông Lợi cho rằng, để nâng cao chất lượng tin, bài tuyên truyền về phòng, chống thiên tai, các cơ quan báo chí cần chủ động triển khai nhiều giải pháp số hóa hoạt động tuyên truyền: từ thiết lập các website hiện đại, fanpage, kênh YouTube, TikTok của báo đến ứng dụng các công nghệ mới như AI, chatbot trong tư vấn, giải đáp thắc mắc về phòng, chóng thiên tai giúp nội dung và hình ảnh về công tác này được lan tỏa đa nền tảng, tiếp cận nhanh chóng, rộng rãi tới công chúng, doanh nghiệp.

Thông qua các công cụ kỹ thuật số và hệ thống phân tích dữ liệu lớn (big data), bộ phận tuyên truyền có thể xây dựng các chiến dịch tiếp cận nhóm đối tượng mục tiêu theo từng khu vực, ngành nghề, sở thích.

Đồng thời, toàn bộ hoạt động tuyên truyền được quản lý, đánh giá theo thời gian thực, qua đó tối ưu hóa nội dung, phương thức tiếp cận và tiết kiệm chi phí cho các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai.

Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống truyền thông đa phương tiện, lấy nền tảng số làm động lực phát triển. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phụ trách tuyên truyền, xây dựng năng lực làm chủ các công cụ số mới, ứng dụng phân tích dữ liệu trong hoạch định và triển khai chiến lược tuyên truyền.

Tăng cường liên kết với doanh nghiệp, các đối tác công nghệ, báo chí, cập nhật liên tục xu hướng tuyên truyền mới, tối ưu hóa nguồn lực và mở rộng cơ hội hợp tác xã hội hóa tuyên truyền về lĩnh vực này...

Báo cáo tại buổi tập huấn, Ông Nguyễn Văn Hải, Phòng Ứng phó Khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) cho biết, giai đoạn 1961-2024 đã có 793 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông. Trong số đó 454 cơn bão và ATNĐ đổ bộ và ảnh hưởng tới Việt Nam. Trước đây bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, nhưng từ năm 2016 đã xuất hiện siêu bão, tức là cấp 16 trở lên.

Mưa lũ lớn xảy ra bất thường hơn về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ. Mưa lớn không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà cả trong mùa khô. Điển hình, bão số 1 năm 2025, Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum, Gia Lai có mưa to đến rất to, trong đó thành phố Huế, Đà Nẵng đã có mưa rất lớn từ 500-800mm; Quảng Trị từ 400-600mm...

Mưa lớn dẫn đến lũ quét, sợt lở đất, gây thiệt hại cho người và tài sản. Báo cáo cho thấy, 4 tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu (2-3/8/2017) và Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La (10-12/10/2017) đã khiến 112 người chết và mất tích; 4.536 hộ phải di dời; 475 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; thiệt hại 5.850 tỷ đồng.

Nguyễn Hùng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hon-46000-bai-bao-viet-ve-phong-chong-thien-tai-192250710152831523.htm