Hơn 50 quốc gia muốn đàm phán thương mại với Mỹ sau khi áp thuế

Hơn 50 quốc gia đã tiếp cận Nhà Trắng để bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế quan mới rộng khắp, theo lời các quan chức cấp cao vào Chủ nhật.

Trên các chương trình thời sự sáng Chủ nhật, các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump mô tả các mức thuế là một bước đi chiến lược, nhằm tái định vị Mỹ trong trật tự thương mại toàn cầu. Họ cũng cố gắng làm dịu lo ngại trước phiên giao dịch đầy biến động sắp tới ở thị trường châu Á vào thứ Hai.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết, hơn 50 quốc gia đã bắt đầu đàm phán với Mỹ kể từ khi thông báo được đưa ra hôm thứ Tư, đặt ông Trump vào vị thế có lợi. Tuy nhiên, ông và các quan chức khác không nêu rõ tên các quốc gia hay chi tiết của các cuộc đàm phán. Việc đàm phán đồng thời với nhiều nước có thể là một thách thức lớn về hậu cần cho chính quyền Trump, và chưa rõ các cuộc đàm phán sẽ kéo dài bao lâu.

Tổng thống Đài Loan Lai Ching-te hôm chủ nhật đề xuất đàm phán dựa trên việc miễn thuế hoàn toàn, cam kết gỡ bỏ rào cản thương mại và tăng đầu tư từ các công ty Đài Loan vào Mỹ.

Bessent nói trên chương trình Meet the Press của NBC: “Tổng thống đã tạo ra lợi thế tối đa cho chính mình.” Ông cũng giảm nhẹ mức sụt giảm của thị trường chứng khoán và cho rằng không có lý do gì để dự đoán suy thoái kinh tế do các mức thuế mới, viện dẫn số liệu tăng trưởng việc làm khả quan.

Thị trường toàn cầu chao đảo

Quyết định áp thuế diện rộng của Trump đã khiến các nền kinh tế toàn cầu choáng váng, kéo theo các đòn trả đũa từ Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại và suy thoái toàn cầu. Chỉ trong hai ngày sau thông báo, chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 10%.

Nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư lớn cho rằng cú sốc thị trường đến từ chính sách thuế của ông Trump, mà họ cảnh báo có thể gây lạm phát và tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế của JPMorgan giờ dự đoán GDP cả năm sẽ giảm 0,3%, thay vì tăng 1,3% như trước đây, và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4,2% lên 5,3%.

Trước nguy cơ thiệt hại kinh tế nặng nề, hơn 50 quốc gia đang chạy đua để đàm phán với Mỹ nhằm giảm nhẹ các mức thuế. Mặc dù vậy, Trump vẫn giữ lập trường cứng rắn và tuyên bố “sẽ không bao giờ thay đổi” chính sách, ngay cả khi thị trường tiếp tục sụt giảm. Hôm Chủ nhật, ông chơi golf và đăng bài trên Truth Social.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, quốc gia chịu mức thuế 17% dù là đồng minh thân cận của Mỹ, sẽ bay tới Mỹ để đàm phán trực tiếp với Trump vào thứ Hai.

Thủ tướng Anh Keir Starmer viết trong một bài báo rằng “thế giới mà chúng ta từng biết đã không còn nữa”, và tương lai sẽ phụ thuộc vào “các thỏa thuận và liên minh.”

Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Việt Nam — quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý đầu năm — đã yêu cầu trì hoãn 45 ngày đối với mức thuế 46% mới được áp. Hassett nói các nước muốn thỏa hiệp vì họ hiểu rằng chính họ sẽ chịu phần lớn gánh nặng từ thuế.

Nga không nằm trong danh sách chịu thuế đợt này. Ông Hassett nói lý do là đang có đàm phán riêng về Ukraine, và việc đưa Nga vào lúc này có thể gây nhiễu các cuộc đối thoại. Một quan chức Nhà Trắng nói thêm rằng thương mại giữa Mỹ và Nga hiện đã gần như không còn vì lệnh trừng phạt.

Ông Trump luôn khẳng định rằng các quốc gia bán hàng cho Mỹ đang lợi dụng người Mỹ, và thuế quan là cách để “sửa sai.” Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế nhập khẩu sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng, dẫn đến giá cả trong nước tăng.

Theo Tổng hợp

Huy Hoàng

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/hon-50-quoc-gia-muon-dam-phan-thuong-mai-voi-my-sau-khi-ap-thue-139888.html