Hơn 6.000 ý kiến của khối mầm non và phổ thông được gửi về từ các kênh
Với hàng nghìn câu hỏi được gửi bằng nhiều nguồn khác nhau, ngoài các vấn đề được trao đổi trực tiếp tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ chỉ đạo các Cục, Vụ tiếp tục phân tích câu hỏi và có cách trả lời theo từng chủ đề phù hợp.
Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Chương trình do Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở GD&ĐT.
Đây là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới; đồng thời qua chương trình, Bộ trưởng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay; giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD&ĐT và thực hiện thành công đổi mới GD&ĐT.
Báo cáo tổng hợp ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết: Để chuẩn bị cho chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập hợp ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên cả nước. Việc lấy ý kiến được thực hiện trong tháng 6 và tháng 7/2023 với công cụ trực tuyến google form và một số kênh khác.
Tổng số có hơn 6.000 ý kiến của khối mầm non và phổ thông được gửi về từ các kênh, trong đó gần 4.000 ý kiến của giáo viên, hơn 1.300 ý kiến của nhân viên trường học, còn lại là ý kiến của cán bộ quản lý. Rất nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc tổ chức dạy học và giáo dục học sinh theo những chỉ đạo đổi mới của ngành trong thời gian vừa qua đã thu được những kết quả nổi bật trên nhiều phương diện.
Giáo viên nỗ lực cố gắng nâng cao năng lực ứng đáp với yêu cầu đặt ra. Các trường học, các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện xã hội hóa, tận dụng các nguồn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới phương thức quản trị điều hành, cách thức quản lý chuyên môn theo hướng dân chủ, tập trung, hướng tới nâng cao chất lượng hiệu quả công việc của mỗi cá nhân. Các tổ chức đoàn thể có nhiều hỗ trợ, tài trợ, động viên nhà giáo yên tâm công tác, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Rất nhiều ý kiến tán thành và bày tỏ sự cảm kích về việc tổ chức chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục”. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để giáo viên được biết rõ, được hiểu thêm một cách chính thống các thông tin về công việc, các quan điểm chỉ đạo của ngành, các lý giải về khoa học giáo dục trong tiến trình đổi mới.
Đặc biệt, hy vọng chương trình tạo cơ hội cho giáo viên cả nước hiểu biết thêm về cách làm mới, cách làm hay, những sáng tạo của đồng nghiệp trong quá trình đối mặt với những thách thức, khó khăn của đổi mới giáo dục, trước những yêu cầu của xã hội, trong bối cảnh đa dạng hóa thông tin như hiện nay.
Nhiều ý kiến phản ánh thực trạng việc tổ chức dạy học và quản lý ở các cơ sở trường học hiện nay; các chế độ chính sách liên quan đến đời sống việc làm; những khó khăn bất cập, những đề xuất giải quyết, tháo gỡ và những câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng. Cụ thể: Có gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp, trong đó có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Có gần 200 ý kiến phản ánh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, việc chuyển ngạch giáo viên thực hiện chậm, chưa cập nhật đầy đủ mã ngạch theo quy định, bất cập trong việc xếp lương sau khi hoàn thành đạt chuẩn trình độ đào tạo… Việc này gây thiệt thòi và ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên, rất mong được quan tâm giải quyết để giáo viên yên tâm công tác.
Có gần 500 ý kiến liên quan đến tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Đa số các ý kiến đề nghị áp dụng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm mon là 55 tuổi. Do đặc thù lao động giáo viên mầm non nên việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 là không phù hợp.
Có 160 ý kiến về thiếu trường lớp học, thiếu nhà công vụ giáo viên, cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đề nghị nâng cấp cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để giáo viên yên tâm công tác, nâng cao chất lượng dạy và học.
Có 41 ý kiến phản ánh về việc thiếu giáo viên cục bộ ở vùng sâu, vùng xa và giáo viên dạy một số bộ môn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp Trung học cơ sở.
Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp Trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, dự kiến quý 4/2023, phương án thi sẽ được công bố.
Liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, đây là vấn đề nhức nhối cần được chặn tận gốc. Đáng nói, thời gian quan số nữ sinh tham gia vào bạo lực có xu hướng tăng. Biểu hiện và diễn biến của bạo lực học đường là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm.
Bộ GD&ĐT đã giao các Vụ, Cục chức năng tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra giải pháp. Trước tiên, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bạo lực học đường ở đơn vị mình. Trong nhiều giải pháp tổng thể, Bộ trưởng nhấn mạnh đến giải pháp phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự xử lý với những vấn đề mình phải đối mặt. Cùng với đó, trang bị cho các em về thái độ đúng đắn khi tham gia mạng xã hội. Mặt khác, đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, nâng cao vai trò và kỹ năng xử lý vấn đề của giáo viên chủ nhiệm.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần phát triển văn hóa học đường, đây là vấn đề trọng tâm của xây dựng trường học hạnh phúc. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục văn hóa, phát triển văn hóa giáo dục.