Hơn 64% người nhận trợ cấp thất nghiệp không có bằng cấp, chứng chỉ
Người hưởng trợ cấp thất nghiệp không có bằng cấp, chứng chỉ trong quý 4/2023 dù có giảm nhẹ so với quý 3, song nhìn chung vẫn ở mức cao và chiếm số lượng lớn nhất so với các nhóm còn lại.
Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 4/2023, cho thấy số lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp có giảm so với quý trước, song vẫn ở mức cao.
Theo đó, trong quý 4/2023, cả nước có 250.226 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 41.124 người so với quý 3, song nếu so với cùng kỳ năm 2023 thì số này vẫn tăng thêm hơn 36.800 người.
Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 4 là 255.473 người, hơn 5.000 người được hỗ trợ học nghề, trên 609.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Như thường lệ, nhóm lao động không có bằng cấp chứng chỉ vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, chiếm 64,5% (giảm nhẹ so với quý 3 - 65%); 15,4% có trình độ đại học trở lên, tương đương quý 3.
7,5% số người hưởng có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp (tăng nhẹ so với quý 3 - 7%). Nhóm người hưởng có trình độ cao đẳng cũng tăng nhẹ, chiếm 6,5%, trong khi con số này ở quý 3 là 6,3%; nhóm có trình độ trung cấp chiếm trên 6%, tương đương với quý 3.
Xét theo nhóm ngành, Bộ LĐ-TB&XH thống kê có 5 nhóm ngành có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 43% trong tổng số đối tượng đăng ký. Bên cạnh đó, là nhóm hoạt động dịch vụ khác; nông nghiệp, lâm nghiệp, và thủy sản; bán buôn và bán lẻ, sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng.
Ở nhóm nghề, thợ may, thêu và các thợ có liên quan có số người đăng ký hưởng cao nhất, chiếm trên 26%, còn lại là một số nhóm nghề như thợ lắp ráp; nhân viên bán hàng; kế toán, thợ hàn.