Chi tiêu hằng ngày trở thành ưu tiên hàng đầu của người Việt

Chi tiêu hằng ngày trở thành ưu tiên hàng đầu với 58% người tham gia khảo sát (so với 52% năm ngoái).

Ảnh minh họa: S.L.V

Ảnh minh họa: S.L.V

Sun Life châu Á (Sun Life Asia), nhà cung cấp các dịch vụ tài chính hàng đầu vừa công bố Chỉ số khả năng ổn định tài chính 2025 lần thứ hai, với chủ đề "Cân bằng nhu cầu hiện tại và mục tiêu tương lai", cung cấp cái nhìn toàn diện về cách người dân tại các quốc gia trong khu vực đang quản lý tài chính cá nhân trong bối cảnh kinh tế đầy biến động.

Tại Việt Nam, kết quả cho thấy mức độ tự tin tài chính có cải thiện nhẹ, tuy nhiên Gen Z vẫn là thế hệ kém an toàn và thiếu khả năng ứng phó tài chính nhất trong khảo sát, trái ngược với 66% người thuộc nhóm Baby Boomer cảm thấy vững vàng về tài chính.

Khảo sát được thực hiện trên 6.000 người trưởng thành tại 6 thị trường châu Á: Việt Nam, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore; trong đó có 1.000 người Việt Nam, nhằm phân tích hành vi lập kế hoạch tài chính, mức độ hiểu biết tài chính, khả năng chấp nhận rủi ro và vai trò của tư vấn chuyên nghiệp trong việc xây dựng sự ổn định lâu dài.

Đáng chú ý, Gen Z tại Việt Nam đứng sau các thế hệ khác về cả sự tự tin lẫn sự chuẩn bị tài chính, chỉ 52% cảm thấy an toàn tài chính, thấp hơn Baby Boomer (66%) và Millennials - thế hệ sinh từ năm 1980 đến 1996 (là 60%).

Dù có lợi thế về thời gian, 57% Gen Z vẫn chọn đầu tư an toàn, thể hiện tâm lý dè dặt và thiếu hiểu biết về cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận lâu dài.

Gen Z cũng là thế hệ ít tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính nhất với 28% không hỏi ý kiến bất kỳ ai, dù đây là nhóm đang rất cần sự hướng dẫn từ các nguồn đáng tin cậy.

Bản công bố trên cho biết, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, người Việt có xu hướng tập trung vào nhu cầu trước mắt thay vì mục tiêu tài chính lâu dài.

Chi tiêu hằng ngày trở thành ưu tiên hàng đầu với 58% người tham gia khảo sát (so với 52% năm ngoái).

Tuy nhiên, thiếu kế hoạch dài hạn vẫn là một rào cản lớn cho sự ổn định tài chính, khi hơn một nửa số người tham gia (52%) không có kế hoạch tài chính vượt quá 12 tháng, chỉ 8% có tầm nhìn vượt mốc 10 năm, cho thấy khoảng trống lớn trong khả năng lập kế hoạch tài chính của người Việt.

Báo cáo cũng chỉ ra, những người có khả năng tài chính cao thường ưu tiên xây dựng quỹ khẩn cấp (44%) và tiết kiệm cho nghỉ hưu (41%); ngược lại, nhóm có khả năng thấp thường tập trung vào trả nợ (42%) và khởi nghiệp (37%).

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chi-tieu-hang-ngay-tro-thanh-uu-tien-hang-dau-cua-nguoi-viet-709110.html