Nhà đầu tư chốt lời ồ ạt, VN-Index đứt chuỗi tăng 7 phiên
VN-Index vừa có phiên giảm đầu tiên sau gần 2 tuần tăng miệt mài. Nguyên nhân của nhịp điều chỉnh chủ yếu vì sức ép bán ra từ các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Sắc đỏ đã trở lại chiếm ưu thế trên bảng điện tử chứng khoán. Ảnh: Việt Linh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều tín hiệu bán ra trong phiên 15/7. Dù mở cửa trong sắc xanh và duy trì vị thế này gần như xuyên suốt phiên, VN-Index lại không thể mở rộng biên độ và khoảng cách với tham chiếu.
Trước giờ đóng cửa, một đợt chốt lời mạnh mẽ bất ngờ “đánh úp” chỉ số và đẩy VN-Index lao dốc gần 10 điểm. Sự áp đảo của phe bán khiến dòng tiền phe mua không kịp trở tay.
Kết phiên, VN-Index giảm 9,77 điểm (-0,7%) lùi xuống 1.460,65 điểm, qua đó chấm dứt chuỗi tăng điểm 7 phiên liên tiếp.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCoM-Index đều ngược chiều khi đóng cửa trong sắc xanh, lần lượt tăng 0,72 điểm (+0,3%) lên 240,33 điểm và 0,36 điểm (+0,4%) lên 103,03 điểm.
Những biến động trong giao dịch kéo thanh khoản trên cả 3 sàn lên mức cao, đạt 38.500 tỷ đồng.
Sắc đỏ có phiên hiếm hoi lấn át bảng điện tử. Toàn thị trường ghi nhận 386 mã tăng (gồm 29 mã tăng trần), 809 mã giữ tham chiếu và 407 mã giảm (gồm 7 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 25 mã giảm và chỉ 5 mã tăng. Chỉ số đại diện rổ vì thế lùi gần 12 điểm và rời khỏi mốc 1.600 điểm.

VN-Index quay đầu giảm sau 7 phiên tăng liên tiếp. Ảnh: TradingView.
Áp lực khiến VN-Index quay đầu giảm hôm nay chủ yếu đến từ các bluechip như VCB (-1,6%), VHM (-1,6%), VIC (-1,2%), BID (-1,4%), GVR (-1,8%), TCB (-0,9%), VPB (-1,2%), FPT (-0,9%), HPG (-1%) và BCM (-2,2%).
Không chỉ tập trung tại nhóm vốn hóa lớn, sắc đỏ còn lan tỏa sang nhóm dưới như bất động sản có DIG (-1,9%), CEO (-2,1%), PDR (-1,3%), TCH (-3,6%), NVL (-1%), VRE (-1,8%); tài chính - ngân hàng có ACB (-1,1%), MBS (-1,4%), TPB (-1%), EIB (-2,8%), VCI (-1,8%), VFS (-1,5%).
Nhóm cảng biển, đầu tư công cũng chứng kiến sự lùi bước của HAH (-1,9%), VSC (-0,3%), GMD (-1,9%), CII (-1,3%), VCG (-1,3%), CTD (-1,7%), HHV (-0,8%).
Chiều ngược lại, đà tăng của GEE (tăng trần), GEX (+5,7%), LPB (+2%), SSI (+2,5%), OCB (+3,1%), HVN (+0,8%), MSB (+1,5%), MWG (+0,4%), VND (+1,4%) hay DXG (+1,9%) không thể chống đỡ nổi đà lao dốc của thị trường.
Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG tiếp tục “cháy hàng”, tăng kịch biên độ lên 5.900 đồng/cổ phiếu. Đến hết phiên, các nhà đầu tư vẫn còn kê lệnh dư mua giá trần hơn 1,2 triệu cổ phiếu này.
Điều đáng chú ý là cổ phiếu bất động sản này đã chứng kiến 13 phiên tăng trần kéo dài từ cuối tháng 6 đến nay. Theo giải trình gửi cơ quan quản lý, công ty cho biết việc cổ phiếu LDG có chuỗi tăng giá mạnh vừa qua là kết quả từ diễn biến cung - cầu khách quan trên thị trường chứng khoán, phản ánh tâm lý lạc quan từ phía nhà đầu tư. LDG cho rằng các nội dung quan trọng được ĐHĐCĐ thường niên 2025 thông qua được thị trường đón nhận tích cực, góp phần hỗ trợ xu hướng giao dịch và diễn biến giá cổ phiếu.
“Hiện tại, công ty không có tác động nào ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường”, LDG giải trình.
Đà tăng trần thậm chí diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu LDG đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/4 do công ty đang có khoản lỗ sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024.
Ngoài ra, cổ phiếu này cũng bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 11/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của 2 năm 2023 và 2024 của tổ chức niêm yết là số âm.
Hôm nay, khối ngoại vẫn đẩy mạnh giải ngân trong ngày thị trường chiết khấu với quy mô mua ròng 1.100 tỷ đồng, tập trung tại SSI (+246 tỷ đồng), FUEVFVND (+231 tỷ đồng), DXG (+203 tỷ đồng), GEX (+169 tỷ đồng).
Trong khi đó, danh mục bán của các nhà đầu tư nước ngoài là các mã GMD (-92 tỷ đồng), HPG (-77 tỷ đồng), VCI (-76 tỷ đồng).