TP.HCM dự kiến đầu tư 7 tỷ USD phát triển Trung tâm tài chính quốc tế

TP.HCM dự kiến đầu tư khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD) để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, giai đoạn đầu cần 16.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng khu lõi Thủ Thiêm.

Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM rộng gần 800 ha

Ngày 15/7, UBND TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm tài chính quốc tế Astana tổ chức chương trình Bàn tròn doanh nghiệp TP.HCM, Việt Nam và Astana, Kazakhstan với chủ đề “Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM”.

Nói về lợi thế của TP.HCM, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố chiếm tỷ trọng khoảng 23% trong GDP cả nước và là trung tâm của nhiều ngành kinh tế trọng điểm như tài chính, công nghệ và dịch vụ. TP.HCM cũng là nơi tập trung nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một trung tâm tài chính quốc tế.

Tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ tài chính thuộc vào loại cao nhất trong khu vực và thế giới, kèm với đó là chi phí giao dịch trong hệ thống tài chính thấp hơn rất nhiều so với các trung tâm tài chính của thế giới. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một điểm mạnh của TP.HCM.

Toàn cảnh chương trình Bàn tròn doanh nghiệp TP.HCM, Việt Nam và Astana, Kazakhstan.

Toàn cảnh chương trình Bàn tròn doanh nghiệp TP.HCM, Việt Nam và Astana, Kazakhstan.

Theo ông Đinh Khắc Huy, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM đặt mục tiêu cụ thể là thu hút vốn đầu tư quốc tế, nhất là dòng vốn dài hạn, các tập đoàn tài chính đa quốc gia. Đồng thời xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện gồm ngân hàng quốc tế, thị trường chứng khoán, fintech (công nghệ tài chính), quản lý tài sản quốc tế.

Thông tin về ranh giới trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, ông Huy cho biết tổng diện tích của trung tâm tài chính quốc tế là 793 ha, gồm phường Bến Thành (20 ha), phường Sài Gòn (146 ha), phường Thủ Thiêm (563 ha) và mặt sông Sài Gòn (64 ha). Khu lõi diện tích là 9,2 ha đặt tại Thủ Thiêm sẽ là nơi xây dựng trụ sở cơ quan quản lý, giám sát, tài phán trung tâm tài chính quốc tế.

Hiện phường Sài Gòn và phường Bến Thành là khu vực trung tâm tài chính hiện hữu, các hoạt động ngoại hối, fintech, giao dịch số, tài chính, logistics diễn ra sôi nổi. Phần diện tích mở rộng thêm sẽ bao gồm các tòa nhà hiện đang có trụ sở các công ty bảo hiểm, tài chính và ngân hàng như tòa nhà Saigon Trade Center, Prudentail Headquarter, Mplaza, Tòa nhà Techcombank, Saigon Tower…

Cần 2.000 tỷ đồng xây trụ sở các cơ quan trung tâm tài chính

Dù TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế từ quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước, vị trí địa lý chiến lược đến vai trò đầu mối giao thương nhưng theo đánh giá của đại diện Sở Tài chính TP.HCM, hạ tầng tài chính, công nghệ và hệ sinh thái dịch vụ tài chính hiện tại vẫn chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Vì vậy, TP.HCM đã đặt ra các mục tiêu và định hướng phát triển đối với trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố xác định rõ định hướng phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm.

Vị trí trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Ảnh: Sở Tài chính TP.HCM.

Vị trí trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Ảnh: Sở Tài chính TP.HCM.

Về hạ tầng cứng, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, thành phố sẽ phát triển giao thông ngầm như metro, đường ngầm… Trong đó ưu tiên hoàn thiện các tuyến metro 1, 2 và dài hạn là metro 3A đi qua quận 1.

Ngoài ra, TP.HCM cũng cải tạo hạ tầng đường bộ và giao lộ trọng điểm, mở rộng hoặc điều tiết thông minh các tuyến đường. Cùng với đó là nâng cấp bến Bạch Đằng thành điểm trung chuyển đường thủy hiện đại.

Theo ông Huy, TP.HCM sẽ nâng cấp không chỉ mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước mà còn hạ tầng viễn thông, công nghệ số. Theo đó, TP.HCM sẽ lắp đặt mạng 5G, trạm phát sóng phủ toàn khu trung tâm tài chính; tích hợp Internet of Things (IoT) trong quản lý điện, nước, điều hành giao thông.

Lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho biết, dự kiến sơ bộ đầu tư cho toàn bộ trung tâm tài chính là khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD).

Trước mắt cần chuẩn bị khoảng 16.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng khu lõi bao gồm 11 lô tại Thủ Thiêm trong giai đoạn đầu (khoảng 2 - 3 năm), trong đó chi phí đầu tư xây dựng tòa nhà trụ sở các cơ quan trung tâm tài chính cần khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, để phát triển nguồn nhân lực tài chính đạt chuẩn quốc tế, TP.HCM sẽ thu hút và đào tạo nhân sự chất lượng cao thông qua chương trình liên kết với các trường đại học. TP.HCM cũng hợp tác quốc tế đưa chuyên gia nước ngoài về làm việc theo chiến lược trong Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính Quốc tế mà Viện Nghiên cứu phát triển đang triển khai.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-du-kien-dau-tu-7-ty-usd-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-d332008.html