Hơn 80.000 nguồn gene đặc hữu, quý, hiếm được lưu giữ

Nhiều nguồn gene được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như sâm ngọc linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ... góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hôm nay 29/7, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo "Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene giai đoạn 2015-2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025-2030".

Hội thảo về bảo tồn gene.

Hội thảo về bảo tồn gene.

Tính đến nay, Việt Nam đã bảo tồn, lưu giữ được trên 80.000 nguồn gene đặc hữu, quý, hiếm. Trong đó có 47.772 nguồn gene thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gene cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gene dược liệu, 891 nguồn gene vật nuôi, 391 nguồn gene thủy sản, 19.050 nguồn gene vi sinh vật.

Đây là nguồn vật liệu vô cùng quý, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn, giá trị cao hơn. Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene giai đoạn 2015-2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025-2030 đã đánh giá ban đầu được gần 56.000 nguồn gene.

Nhiều nguồn gene được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như sâm ngọc linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ... góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Gia tăng nguồn lực khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene.

Gia tăng nguồn lực khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene.

Trong giai đoạn tới, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KHCN sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gene; gia tăng nguồn lực khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước.

Hồng Hạnh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hon-80000-nguon-gene-dac-huu-quy-hiem-duoc-luu-giu-255030.htm