Hôn mê và loạt bệnh kinh hoàng khi ăn tiết canh không đúng cách
Hôn mê vì ăn tiết canh, người nổi 'gạo' vì sán lợn; toàn thân xuất hiện các ban hoại tử vì liên cầu lợn, nhiễm giun sán… là những bệnh kinh hoàng khi ăn tiết canh không đúng cách gây ra.
Thói quen ăn tiết canh lợn của người dân tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ sán, tiêu chảy, tả, lỵ đến các bệnh truyền nhiễm từ lợn, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn. Dưới đây là một số bệnh do ăn tiết canh lợn:
Hôn mê vì bát tiết canh
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện E đã tiếp nhận, điều trị thành công cho một thanh niên trẻ (29 tuổi, ở Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhiễm trùng huyết do liên cầu khuẩn lợn với triệu chứng rất nặng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, rối loạn ý thức, hôn mê, kích thích vật vã, xuất hiện hội chứng nhiễm trùng không có dấu hiệu liệt thần kinh khu trú.
Khai thác tiền sử bệnh án, trước đó, 3 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn trong liên hoan ở công ty. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, ý thức lơ mơ, chậm chạp, buồn nôn và nôn, kích thích nhiều, gáy cứng. Bệnh nhân đã tự điều trị ở nhà nhưng không đỡ.
Thậm chí, bệnh nhân còn có một cơn co giật gây mất ý thức toàn thân trong vào 4-5 phút. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở Bệnh viện E.
BSCKII Nguyễn Xuân Huyến – trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện E cho biết, tại đây, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm và chiếu chụp cần thiết, đặc biệt có chọc dịch não tủy. Khi chọc não tủy thấy dịch não tủy của bệnh nhân đục, áp lực tăng…
Ngay lập tức, bệnh nhân được làm xét nghiệm chuyên sâu đối với dịch não tủy như nuôi cấy tế bào, sinh hóa. Với tích chất dịch não tủy như vậy, các bác sĩ xác định, bệnh nhân mắc viêm não - màng não do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) ký sinh ở lợn gây nên.
Người nổi “gạo” vì sán lợn
Nguy cơ mắc sán lợn cao khi ăn đồ sống như tiết canh lợn, thịt lợn chưa nấu chín. Những con lợn mà dân gian vẫn hay gọi là “lợn gạo” thực chất là lợn bị nhiễm sán. Bản chất hạt gạo trong con lợn là nang ấu trùng của sán. Khi ăn phải thịt lợn gạo nấu chưa chín, ăn tiết canh những con lợn này vào người, nang ấu trùng nở ra, phát triển trong cơ thể để trở thành sán dây trưởng thành và gây bệnh.
Hình thức nhiễm sán lợn thứ hai, đó là khi con lợn nhiễm sán thải phân ra ngoài kèm theo trứng sán. Nếu người nuốt phải trứng sán này do ăn phải thức ăn nhiễm trứng sán như rau sống, tiết canh (trứng sán trong phân có nguy cơ dính vào tiết canh trong quá trình chọc tiết lợn) và bị nhiễm ấu trùng sán lợn.
Khi trứng vào trong cơ thể nó phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành, nổi những hạt li ti trên da như con lợn gạo. Còn nếu sán lợn đi lên não, mắc lại đây, phát triển lớn lên gây bệnh sán não.
Sán cũng có thể chui lên não làm tổ, khiến người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh.
Ấu trùng sán có thể đi bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt, và đặc biệt là não, trong hệ thần kinh trung ương, chiếm 60-80% các trường hợp. Khi cư trú vùng cơ, gây các tổn thương thì trên da người bệnh xuất hiện các nang nhỏ bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. Còn khi cư trú ở não gây các triệu chứng động kinh, co giật, nhìn mờ, mù mắt, tăng áp lực nội sọ, đau đầu kéo dài…
Hoại tử da, viêm màng não vì món ăn ưa thích
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn. Khi ăn tiết canh, sản phẩm từ lợn chưa nấu chín như nem chạo dễ mắc liên cầu lợn. Đôi khi chỉ vì ăn một bát tiết canh, người bệnh phải trả giá hàng vài chục triệu đồng cho quá trình điều bị bệnh.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cảnh báo tỷ lệ tử vong do liên cầu lợn gây ra khoảng 7%. Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở heo bệnh. hoặc qua đường ăn uống. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Ở miền Nam Việt Nam, 95%-98% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn thường bị viêm màng não.
Điều đáng ngại là bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể lây từ đàn lợn sang người, gây bệnh nặng chết người. Người bị lây bệnh này do tiếp xúc với lợn bị bệnh, với thịt lợn và sản phẩm của lợn bị bệnh, do ăn phải thực phẩm nhiễm streptococcus suis, đặc biệt là món tiết canh lợn. Trong số những người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn vào điều trị tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia vừa qua có nhiều người đã ăn tiết canh lợn, chúng ta cần hết sức cảnh giác với món ăn nguy hiểm này.
Để phòng bệnh, người dân không được ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống…; sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác khi tiếp xúc với lợn, giết mổ, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Bệnh giun xoắn
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, đây là một giun đặc biệt nguy hiểm vượt hẳn ra ngoài giới hạn các bệnh giun sán thông thường. Nó cũng là bệnh giun duy nhất gây sốt cao kéo dài ở giai đoạn đầu có thể làm ta nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét…
Giun xoắn (Trichinella spiralis) rất nhỏ, mắt thường khó nhìn thấy. Thường con đực chỉ dài 1,4 – 1,6mm, chiều ngang 40 micromet; giun cái lớn hơn dài 3-4mm, ngang khoảng 60 micromet. Chúng sống chủ yếu trong ruột non một số súc vật, đặc biệt là loài lợn. Những ấu trùng giun xoắn khi mới sinh chỉ 90 -100 micromet. Những còn ấu trùng này theo máu đi khắp cơ thể rồi dừng lại ở các cơ và thành kén trong các cơ. Trong kén này (còn gọi là bào nang) có một ấu trùng cuộn tròn lại sống rất dai.
Người mắc bệnh giun xoắn chủ yếu là do ăn phải thịt lợn bị nhiễm giun xoắn nấu chưa chin, nhất là món lòng lợn luộc chưa kỹ và món tiết canh vì trong thành ruột non và máu những con vật này có rất nhiều giun xoắn và ấu trùng. Đây là một bệnh nặng, khó chữa, dễ gây tử vong, chúng ta phải cảnh giác.
Để phòng tránh các bệnh trên, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện phòng hộ.