Hợp đồng bảo hiểm phải được quy định đảm bảo bình đẳng cả bên bán và mua

Sáng nay (29-10), Quốc hội thảo luận trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố đóng góp ý kiến vào dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang đã có nhiều ý kiến liên quan đến quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin, vềlợi nhuận/phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô.

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luận trực tuyến sáng 29-10

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luận trực tuyến sáng 29-10

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang tán thành cao việc sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nhiều quy định mới được sửa theo hướng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay, đó là những quy định không thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự hiện hành, hoặc một số quy định chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền và chưa quy định chặt chẽ về minh bạch hóa các thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm cũng như khách hàng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang lưu ý, hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng - là trung tâm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hiện nay, do hợp đồng bảo hiểm có tính chất là một hợp đồng gia nhập nên doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là bên đưa ra các điều khoản mẫu, người mua không được đàm phán, thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung điều khoản tại hợp đồng này. Tuy nhiên, nhóm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ hiện không còn danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự thay đổi này một phần góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện quyền tự do kinh doanh; mặt khác, trong quá trình thực hiện vẫn có thể phát sinh một số hệ lụy làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

Dự thảo luật tuy đã bổ sung một số quy định liên quan đến kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm, với tư cách là một hợp đồng gia nhập, nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quy định chưa rõ về việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân, đơn vị mua bảo hiểm. Đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định này theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm.

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh: Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, bao gồm các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế, cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống. Bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện giúp người nghèo có thói quen tích lũy tài chính.

Thực tế là ở các nước trong khu vực bảo hiểm vi mô này rất cần nhưng việc triển khai tại Việt Nam chưa thực sự phát triển, do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận; chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cũng chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô và thực tế vẫn còn khoảng trống về chính sách, pháp luật đối với bảo hiểm vi mô.

Đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm vi mô ở nước ta có khoảng 200 ngàn hợp đồng, tương đương 0,2% dân số cả nước, những người được bảo hiểm này chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. Chủ thể cung ứng bảo hiểm vi mô có thể là các doanh nghiệp kinh doanh và tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp.

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định về điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động, tổ chức hoạt động, quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ, chế độ tài chính và quản lý nhà nước đối với tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Đại biểu bày tỏ sự băn khuăn với quy định về bảo hiểm vi mô - đây là một vấn đề mới nhưng trong dự thảo luật chỉ quy định trong 2 điều và qua nhiều lần thảo luận nhưng ban soạn thảo vẫn xin giữ nguyên như dự thảo.

Nhằm tạo điều kiện thu hút cá nhân, tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho người nghèo; quy định về loại hình tổ chức, các điều kiện cấp phép để tổ chức bảo hiểm vi mô có thể đăng ký thành lập được; các loại hình bảo hiểm vi mô giúp người nghèo có nhiều lựa chọn hơn; định hướng về việc thành lập doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vi mô phù hợp với xu thế của đất nước; để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo làm rõ yêu cầu lợi nhuận/phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô, đồng thời đánh giá kỹ tác động kinh tế - chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô, làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với các bảo hiểm thông thường, xác định rõ vai trò các tổ chức tham gia.

Về một số quy định cụ thể, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 12 dự thảo luật có thể hiểu, doanh nghiệp bảo hiểm có thể ký kết hợp đồng bảo hiểm con người và hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại trong cùng một hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể cùng cung cấp cả sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 67 dự thảo luật về nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm lại quy định “Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe” và có một số trường hợp ngoại lệ được liệt kê cụ thể được quy định trong điều khoản này.

Bố cục của dự thảo luật gồm 8 chương, 156 điều, sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Các nội dung của dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên.

Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh để có sự thống nhất nguyên tắc xuyên suốt để bảo vệ quyền lợi cho bên được cung cấp và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, vì các loại bảo hiểm được điều chỉnh trong luật chi phối đến các tầng lớp nhân dân nên các điều khoản trong dự thảo luật cần rà soát kỹ đảm bảo các nội dung được quy định giữa các điều luật.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/128015/hop-dong-bao-hiem-phai-duoc-quy-dinh-dam-bao-binh-dang-ca-ben-ban-va-mua