Hợp nhất Bình Phước và Đồng Nai: Xu thế - cơ hội và động lực phát triển mới

BPO - Nhìn lại 50 năm qua, nước ta đã 9 lần chia tách, sáp nhập và sắp xếp các tỉnh, thành phố ở nhiều quy mô, tính chất khác nhau, nhưng tất cả đều vì sự phát triển phù hợp và thịnh vượng của mỗi địa phương, mỗi vùng, làm nền tảng vững chãi phát triển đất nước.

Hiện nay, trong bối cảnh mới của thế giới, trước yêu cầu phát triển mới, việc hợp nhất các tỉnh, thành phố song hành không tổ chức cấp huyện và sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã và sắp xếp tinh gọn bộ máy là quyết sách chiến lược đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, chuẩn bị thế và lực mới bước vào kỷ nguyên mới phú cường, nhịp bước cùng thời đại, trong tầm nhìn 100 năm tới.

Và, việc hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai là một trong những quyết sách chiến lược đó.

Bài 1:
MẠCH NGUỒN TRẤN BIÊN

Việc hợp nhất các ĐVHC cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập các ĐVHC cấp xã như thế nào đều có lý do, cơ sở, căn cứ pháp lý cụ thể. Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai được đánh giá là bước đi chiến lược, có tính chất bước ngoặt. Ngoài khung tiêu chí theo định hướng, mỗi tỉnh, thành hợp nhất với nhau đều có những căn cứ, lý do khác nhau và lịch sử truyền thống lâu đời. Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai là như thế - từ mạch nguồn Trấn Biên xưa.

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay. Trong ảnh: Một góc TP. Biên Hòa hôm nay - Ảnh: Phạm Tùng

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay. Tỉnh Đồng Nai mới sau khi hợp nhất có tổng diện tích 12.737,82km2, quy mô dân số 4.318.433 người.

Chung một tầm nhìn và khát vọng

Không phải bây giờ Việt Nam mới thực hiện hợp nhất các ĐVHC cấp tỉnh. Từ năm 1975 thống nhất đất nước đến nay, Việt Nam đã trải qua 9 lần chia tách, sáp nhập, hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh, vào các năm: 1975, 1976, 1978, 1979, 1989, 1991, 1996-1997, 2004, 2008. Trong quá trình vận hành, còn nhiều điểm nghẽn cản trở, có tình trạng mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, đầu tư manh mún, xé lẻ, thiếu liên kết vùng, liên kết khu vực và giữa các tỉnh giáp nhau; mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa thật sự hoàn thiện, nhất là ở địa phương… Bên cạnh đó là một số yếu tố về quốc phòng, an ninh dẫn đến sự chia tách các tỉnh, thành với 63 ĐVHC cấp tỉnh như hiện nay.

Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế sâu rộng, để mở rộng và đảm bảo tính thống nhất về không gian phát triển, bố trí lại và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển đang là việc cấp bách.

Từ nền móng lịch sử, thế mạnh kinh tế, tương dung văn hóa và xã hội, Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai, có thể nói một cách hình ảnh, là cuộc tái ngộ lịch sử từ mạch nguồn Trấn Biên xưa. Tất cả được Trung ương tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong sự phát triển tương lai của đất nước, trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Văn miếu Trấn Biên là di tích lịch sử nổi tiếng ở Biên Hòa, Đồng Nai, gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam của triều đình nhà Nguyễn

Văn miếu Trấn Biên là di tích lịch sử nổi tiếng ở Biên Hòa, Đồng Nai, gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam của triều đình nhà Nguyễn

Đó là sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm ổn định lâu dài; phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển mới, góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới; bảo đảm chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ người dân tốt nhất.

Kinh nghiệm từ thế giới, nhất là các quốc gia phát triển Nhật Bản, Đan Mạch, Đức… đều cho thấy, việc sáp nhập, hợp nhất ĐVHC nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí và đảm bảo dịch vụ công chất lượng. Theo các chuyên gia, dù mỗi nước có nền chính trị, kinh tế, văn hóa khác nhau, nhưng các nước đều đề cao việc giảm bớt tầng nấc trung gian, trao thêm quyền lực và nguồn lực cho đơn vị đủ quy mô. Đặc biệt, những nước này đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là chính quyền cấp địa phương, qua đó tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thủ tục hành chính nhanh gọn và minh bạch. Những nước này đã xây dựng được bộ máy chính quyền địa phương gọn nhẹ, sát dân; nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả quản trị, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bộ máy được phân cấp, phân quyền rõ ràng, tránh sự chồng chéo, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II (TP. Hồ Chí Minh), việc hợp nhất một số ĐVHC cấp tỉnh và không tổ chức cấp huyện là xu thế tất yếu, phù hợp với sự tiến bộ của thế giới. Đây là mô hình tiến bộ, hiện đại và lúc này là thời điểm chín muồi để thực hiện. Đặc biệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thực hiện ngay trước thềm Đại hội XIV của Đảng, theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” chính là thời điểm rất thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển của dân tộc.

“Trong tình hình mới hiện nay, nếu không sắp xếp thu gọn lại, giảm các tầng nấc trung gian, mở rộng không gian thì chúng ta sẽ không phát triển đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số mà chúng ta mong muốn bắt đầu từ năm 2026 và năm nay là 8%. Vì nếu dùng bộ máy như cũ, cách làm như cũ, địa giới như cũ thì rất khó đạt được điều đó. Thế giới phát triển rất nhanh nên việc sáp nhập, hợp nhất các tỉnh là để mở rộng không gian phát triển, tăng nguồn lực cho phát triển” - PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ thêm.

Về thời cơ chín muồi để thực hiện sáp nhập, hợp nhất các ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện, Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: “Đây là thời cơ vàng, hoặc là hôm nay hoặc là khó có thể bao giờ. Bởi thời gian không chờ đợi, tốc độ phát triển 1 ngày bằng nhiều trăm năm của thế giới. Thời cơ lúc này chính là lực lượng phát triển. Thứ hai là nhu cầu phát triển của công cuộc đổi mới, có thể gọi là cuộc cách mạng đổi mới lần thứ hai với quy mô mới, tính chất mới và tốc độ phát triển mới… Thời gian lúc này càng là lực lượng phát triển mạnh mẽ”.

Từ Đại hội VII (năm 1991) đến nay, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề về tinh gọn bộ máy, biên chế. Tuy nhiên, nghị quyết Trung ương các khóa đã thẳng thắn nhận định, bộ máy nhà nước và trong nội bộ các tỉnh, thành phố vẫn hoạt động cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, đầu mối, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả... Gần đây nhất, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục mổ xẻ những hạn chế này.

Chúng ta đang tiến hành các bước chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn là hết sức quan trọng, tác động trực tiếp tới công tác nhân sự, quy hoạch, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại đại hội. Nếu việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thực hiện sau Đại hội XIV của Đảng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, không khoa học. Chúng ta không thể chần chừ. Đây là “thời điểm vàng”, không thể trì hoãn. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: Đây là một cuộc cách mạng, bước đột phá về thể chế, chuẩn bị cho “tầm nhìn trăm năm” phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều vì lợi ích thiết thực và lâu dài của nhân dân.

“Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các đề án kèm theo là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ; mà còn phân cấp về thẩm quyền; bố trí lại ĐVHC; phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới”.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

Bình Phước - Đồng Nai - cuộc tái hợp lịch sử đẹp như cùng hẹn trước

Từ hơn 300 năm trước, Bình Phước đã được hình thành gắn liền với vùng đất Đồng Nai - Gia Định xưa. Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa và con người Bình Phước - Đồng Nai có nhiều nét tương đồng, nơi hội tụ của “hồn thiêng sông núi” đất phương Nam, vừa mang cốt cách, sự hào sảng của một vùng đất luôn “mở lòng”, vừa có khí phách, tài ba, cương trực, dũng cảm của lớp người đi mở cõi, an cư, lạc nghiệp, phát triển kinh tế...

Sử liệu xác chứng, hơn 300 năm trước, Đồng Nai - Gia Định là nơi tiếp nhận những người Việt đầu tiên tới khai khẩn đất hoang. Vùng đất này cũng là nơi tiếp sức cho những thế hệ người Việt tiếp theo tiến xuống đồng bằng phương Nam dựng nhà, lập ấp. Quá trình gian khổ của một thời “mở cõi”, đây là những dinh trấn đầu tiên phiên thuộc chính quyền Đàng Trong. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi là Nguyễn Hữu Kính) kinh lược đất Chân Lạp, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa - Đồng Nai ngày nay) và dinh Phiên Trấn (tức Sài Gòn - Gia Định). 1698 được lấy làm năm “khai sinh” của Đồng Nai, Sài Gòn với tư cách là cương vực, là ĐVHC thuộc quốc gia Đại Việt.

Năm Gia Long thứ 7 (1808), dinh Trấn Biên đổi thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long thuộc dinh Trấn Biên được nâng lên thành phủ Phước Long, các tổng được nâng lên thành huyện. Trấn Biên Hòa (gồm 1 phủ Phước Long) là một trong 5 trấn dưới thời Gia Long, thuộc Gia Định thành. Trấn Biên Hòa (1808-1832) hay tỉnh Biên Hòa (1832-1861) có địa giới hành chính rộng lớn, bao gồm vùng đất các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương và một phần của TP. Hồ Chí Minh ngày nay, với tổng diện tích hơn 17.000km².

Dưới triều nhà Nguyễn, Bình Phước là vùng đất thuộc trấn Biên Hòa. Đến giữa thế kỷ XIX, sau khi đặt ách đô hộ tại 6 tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực lớn là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát Xắc. Vùng đất Bình Phước thuộc khu vực Sài Gòn, trong đó vùng đất phía Đông thuộc Tiểu khu Biên Hòa, vùng đất phía Tây Nam và phía Nam thuộc Tiểu khu Thủ Dầu Một. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, trước khi thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Bình Phước vẫn chủ yếu là vùng rừng núi bạt ngàn, hoang sơ. Người Việt, người Hoa sống tập trung tại các phủ lỵ. Đồng bào các dân tộc S’tiêng, Châu Mạ sống rải rác thành từng sóc tại các vùng rừng núi Bà Rá, Bù Đốp, Bù Đăng... mang tính biệt lập. Năm 1876, tỉnh Biên Hòa bị thực dân Pháp giải thể và biến thành 3 tiểu khu: Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Năm 1889, thực dân Pháp đổi các tiểu khu thành các tỉnh, một phần vùng đất Bình Phước thuộc tỉnh Biên Hòa và một phần thuộc tỉnh Thủ Dầu Một, có lỵ sở là Chơn Thành và Hớn Quản.

Năm 1939, tỉnh Biên Hòa có 5 quận: Châu Thành, Long Thành, Xuân Lộc, Tân Uyên, Núi Bà Rá. Năm 1956, Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh 143-NV chia tỉnh Biên Hòa thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh, Phước Long (có thêm phần đất của tỉnh Thủ Dầu Một). Từ đó, tiền thân của tỉnh Bình Phước và Đồng Nai được tách ra.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục, Khu ủy miền Đông, Đảng bộ và quân, dân tỉnh Đồng Nai, Bình Phước đã đoàn kết, kiên cường, lập nên nhiều chiến công chói lọi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều giai đoạn, vùng đất Bình Phước có sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Tỉnh ủy Biên Hòa. Năm 1954, thực hiện các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam, phần lớn cán bộ, chiến sĩ cách mạng Bình Phước lên đường tập kết. Các cán bộ, đảng viên nòng cốt được phân công ở lại dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Tỉnh ủy Biên Hòa. Trong đó, vùng Bình Long, Lộc Ninh và một phần Phước Long dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một; vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phước Long dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa.

Nhắc đến vùng đất Bình Phước - Biên Hòa, ai cũng nhớ đến Chiến khu Đ - nơi Mỹ - ngụy từng tuyên bố: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”

Nhắc đến vùng đất Bình Phước - Biên Hòa, ai cũng nhớ đến Chiến khu Đ - nơi Mỹ - ngụy từng tuyên bố: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”

Đặc biệt, nhắc đến vùng đất Bình Phước - Biên Hòa, ai cũng nhớ đến Chiến khu Đ - nơi Mỹ - ngụy từng tuyên bố: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Trong giai đoạn cuối kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chiến khu Đ nằm trong phạm vi: Phía Nam giáp sông Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Bình Dương và cắt qua địa phận 2 tỉnh Phước Long, Bình Long (Bình Phước); phía Bắc vươn xa giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (đoạn từ Bù Đốp đến Bù Đăng - Bình Phước); phía Đông giáp các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng. Chiến khu Đ gắn liền với những chiến công vang dội, là mốc son trong trang sử oai hùng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Từ đây, Bộ Chỉ huy Miền quyết định tổ chức tiến công đánh sân bay Biên Hòa giành thắng lợi to lớn, mở đầu chiến dịch giải phóng tỉnh lỵ Phước Long…

Các di tích lịch sử trên địa bàn Bình Phước - Đồng Nai như: Nhà tù Bà Rá, Phú Riềng Đỏ, Nhà tù Tà Lài, Nhà lao Tân Hiệp, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ - Chiến khu Đ, Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Di tích chiến thắng La Ngà, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Đồng Nai, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Biên Hòa - Gia Định, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Cù Lao Phố, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Núi Chứa Chan, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết - Lộc Ninh), Nhà giao tế Lộc Ninh, Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài… đã khẳng định truyền thống lịch sử và đấu tranh anh dũng, kiên cường của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Bình Phước - Đồng Nai.

PGS. TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai chia sẻ với phóng viên về lịch sử vùng đất Bình Phước - Đồng Nai trong mạch nguồn Trấn Biên xưa

PGS. TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai chia sẻ với phóng viên về lịch sử vùng đất Bình Phước - Đồng Nai trong mạch nguồn Trấn Biên xưa

Theo chia sẻ của PGS. TS Huỳnh Văn Tới, trong kháng chiến chống Mỹ, khi chiến trường xảy ra ác liệt, đòi hỏi sự tiếp tế từ miền Bắc vào, Bình Phước là điểm cuối đường Trường Sơn, điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu Bắc - Nam, nên là kho hậu cần, nơi tập trung lương thực, vũ khí, đạn dược… nhịp cầu kết nối, lan tỏa ra toàn chiến trường miền Đông, trong đó có Đồng Nai.

Sự gắn bó, mối liên kết truyền thống lịch sử lâu đời giữa 2 tỉnh là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương xem xét hợp nhất 2 tỉnh với nhau, tạo nên sự hài hòa, thuận lợi cho hoạt động sau hợp nhất.

Đồng Nai và Bình Phước đều là vùng đất có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở phía Đông Nam của đất nước. Từ xa xưa Đồng Nai, trong đó có một phần là Bình Phước đã là nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có người Việt, là một trong những vùng đất quan trọng trong quá trình mở cõi của dân tộc Việt Nam.

Bình Phước - Đồng Nai xét về hành chính rất nhiều lần chia tách địa phương, nhưng xét về vùng đất để phát triển thì xưa nay luôn gắn kết với nhau. Bình Phước là vùng thượng, với nguồn lâm - thổ - sản phong phú, Đồng Nai có sản vật từ biển “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Giữa 2 tỉnh có sự giao lưu về sản xuất, văn hóa; có chung mạch nguồn văn hóa Đồng Nai (là nền văn hóa khảo cổ thời tiền sử ở miền Đông Nam Bộ mà địa giới hành chính ngày nay là các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu).

PGS. TS HUỲNH VĂN TỚI, Ủy viên Hội đồng Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai

Tài sản giá trị lớn nhất giữa 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai là hệ giá trị di tích lịch sử, văn hóa với nhiều nét tương đồng. Bình Phước có di tích thành tròn ở Lộc Tấn (Lộc Ninh), Thuận Phú (Đồng Phú), đàn đá Lộc Hòa (Lộc Ninh); ở Đồng Nai có đàn đá tiền sử Bình Đa. Hệ thống các di tích lịch sử cách mạng ở Bình Phước liên quan rất mật thiết với các di tích đồng dạng ở Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai. Từ giá trị của hệ thống di tích văn hóa lịch sử ở Bình Phước, có thể hình dung quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm lịch sử văn hóa của tỉnh Bình Phước trong không gian văn hóa lịch sử vùng Đông Nam Bộ. Bình Phước, Đồng Nai đều là tỉnh đa sắc tộc (Đồng Nai hơn 50 dân tộc, Bình Phước 41 dân tộc) và đều có các thành phần dân tộc thiểu số như S’tiêng, M’nông, Khmer, Châu Ro, Châu Mạ…

Với 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bình Phước là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam với bản sắc văn hóa đa dạng trong thống nhất

Với 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bình Phước là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam với bản sắc văn hóa đa dạng trong thống nhất

Mang cốt cách, sự hào sảng của một vùng đất luôn “mở lòng”, Bình Phước và Đồng Nai là nơi “đất lành chim đậu”, tiếp nhận lượng lớn cư dân ở mọi miền đất nước đến làm ăn, sinh sống. Đồng Nai hiện có hơn 3 triệu dân với hơn 50 thành phần dân tộc. Dù sinh sống cộng cư nhưng mỗi dân tộc, cộng đồng dân cư đều giữ gìn được các yếu tố văn hóa truyền thống. Đó là lễ hội Kỳ yên của người Việt; lễ hội Tả tài phán của cộng đồng người Hoa Hải Ninh ở huyện Định Quán; lễ mừng lúa mới của đồng bào Châu Ro; lễ cúng thần núi của người Mạ…; hát then, đàn tính của người Tày, Nùng ở Định Quán - Tân Phú; các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở khắp các huyện, thành phố; có tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer…

Mảnh đất 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bình Phước là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam với bản sắc văn hóa đa dạng và thống nhất. Văn hóa Bình Phước hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng; có sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước. Ngoài những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng với hệ thống sông suối, rừng núi hùng vĩ, thác nước, trảng cỏ ngút tầm mắt, Bình Phước hiện có 47 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Bình Phước có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Tổ chức UNESCO công nhận đó là Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đặc biệt, Bình Phước có 1 di sản vật thể Bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa. Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng) vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công nhận là một trong 50 công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng) vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công nhận là một trong 50 công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng) vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công nhận là một trong 50 công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc ở Bình Phước đang được gìn giữ và không ngừng phát huy giá trị: lễ hội mừng lúa mới, biểu diễn cồng chiêng, kết bạn cộng đồng của đồng bào S’tiêng; lễ Sen Dolta (cúng ông bà), múa lâm thon, lễ hội phá bàu, tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer; lễ Ramadan (tháng nhịn ăn) của đồng bào Chăm… Với sự hợp cư của 40-50 thành phần dân tộc cùng sinh sống, Bình Phước - Đồng Nai cũng là vùng đất đa dạng, tương đồng về tín ngưỡng - tôn giáo.

Sự tương đồng nhưng độc đáo về văn hóa qua thời gian càng khẳng định nguồn gốc, cơ sở lịch sử chung, văn hóa truyền thống lâu đời của Bình Phước - Đồng Nai. Điều này phù hợp với 6 tiêu chí về sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh do Trung ương đặt ra. Và, mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho ĐVHC mới; phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau…

Với quyết tâm, sự tương đồng về bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, cùng nền tảng kinh tế vững chắc, tin rằng tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa năng động, có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và mục tiêu tăng trưởng 2 con số của cả nước.

Nhóm P.V

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/635/172340/hop-nhat-binh-phuoc-va-dong-nai-xu-the-co-hoi-va-dong-luc-phat-trien-moi