Hợp nhất Phú Yên và Đắk Lắk - Đường lớn đã mở, kiến tạo không gian
Chủ trương của Đảng hợp nhất Đắk Lắk với Phú Yên vừa hướng tới tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, vừa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo quy mô lớn.

Nông dân Đắk Lắk, “thủ phủ” cà phê của cả nước, thu hoạch cà phê. Ảnh tư liệu: Hoài Thu – TTXVN
Phú Yên - Đắk Lắk không chỉ “cộng gộp” địa lý, mà tạo ra một vùng kinh tế liên hoàn có đầy đủ mọi yếu tố để phát triển bền vững, tạo tương lai sáng tươi.
Nối rừng với biển
Với chiều dài khoảng 280 km, Quốc lộ 29 hiện hữu được xem là “trục xương sống” để kết nối hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên. Tuyến đường này sẽ kết nối với các trục giao thông trọng yếu như: đường bộ ven biển Việt Nam, Quốc lộ 1, Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 14; kết nối cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng chấp thuận cho phép triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 29 kết nối Phú Yên - Đắk Lắk với điểm đầu từ nút giao Quốc lộ 1 (thị xã Đông Hòa), điểm cuối nút giao Quốc lộ 14 (thị xã Buôn Hồ) có tổng chiều dài khoảng 146,76 km; đồng thời kiến nghị bổ sung dự án này vào danh mục dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương (từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2025-2030, với nguồn kinh phí 11.820 tỷ đồng để hai địa phương triển khai thực hiện.
Phú Yên - Đắk Lắk còn kiến nghị xây dựng đường bộ cao tốc có điểm đầu ở Cảng Bãi Gốc (Phú Yên), điểm cuối ở Cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk). Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 220 km, với quy mô 4-6 làn xe. Đây được xem là tuyến đường thuận lợi, tạo điều kiện phát triển các hành lang kinh tế theo hướng Tây - Đông của tỉnh Đắk Lắk mới nói riêng, khu vực lân cận nói chung.
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Simexco DakLak kỳ vọng, việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29 sẽ sớm được triển khai. Khi tuyến đường rộng và thông thoáng hơn, việc kết nối giữa biển với rừng rất thuận lợi. Người dân, doanh nghiệp cũng được “hưởng lợi” từ tuyến đường huyết mạch này nhờ giao thương. Không chỉ dừng lại ở đây, tỉnh mới sau hợp nhất cần phải có tư duy liên kết tỉnh với tỉnh, tư duy liên kết vùng. Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cần được hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2026. Khi đó, tỉnh Đắk Lắk mới và tỉnh Khánh Hòa mới sẽ trở thành một trục kinh tế rất mạnh.
Theo ông Y Khút Niê, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, khu vực Tây Nguyên có đường biên giới giáp các nước bạn Lào, Campuchia nhưng không có biển. Nếu các tỉnh Tây Nguyên kết hợp phát triển với các tỉnh vùng biển sẽ tạo động lực phát triển không chỉ riêng cho địa phương, mà còn tạo điều kiện cho các nước bạn Lào, Campuchia hướng ra biển. Do đó, việc hợp nhất Đắk Lắk - Phú Yên sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội trọn vẹn, đầy đủ hơn.
Việc hợp nhất Đắk Lắk - Phú Yên là chủ trương mang tính chiến lược. Mục đích nhằm tái cấu trúc không gian phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên vùng, liên kết vùng, khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng địa lý, tài nguyên và vị trí chiến lược; phát huy tổng hợp nội lực sẵn có của hai địa phương, cộng hưởng với xu thế phát triển chung của cả nước trong thời đại vươn mình của dân tộc. Sản phẩm hàng hóa của địa phương có thể thông thương ra thế giới qua cảng biển ở phía Đông hoặc cửa khẩu biên giới đất liền ở phía Tây. Khi hàng hóa lưu thông nhiều sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, từ lợi thế so sánh chuyển thành lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Trung tâm công nghiệp mới

Tàu Vũng Rô 1 chờ tiếp nhận hàng hóa từ Cảng Vũng Rô (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Chủ trương của Đảng cùng với quy hoạch phát triển của tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk sẽ thúc đẩy khu vực này thành trung tâm công nghiệp mới có cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương xác định chọn lọc, ưu tiên các đề xuất dự án có hàm lượng công nghệ cao, có quy mô lớn; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo hiệu ứng tốt cho môi trường đầu tư. Các lĩnh vực được xúc tiến đầu tư phải có ưu thế phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển kinh tế xanh bền vững của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.
Việc kêu gọi đầu tư vào tỉnh Phú Yên được phân theo 3 khu vực trọng điểm gồm: Khu vực phía Bắc định hướng phát triển du lịch, kinh tế biển; khu vực phía Nam định hướng phát triển công nghiệp luyện kim, lọc, hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm...; khu vực phía Tây định hướng phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến, trở thành đầu mối giao thương với các tỉnh khu vực Tây Nguyên... Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao; khu đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái ven biển...
Ông Huỳnh Lữ Tân, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên cho biết, Tập đoàn Hòa Phát đang đề xuất đầu tư 3 dự án tại tỉnh gồm: Hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (giai đoạn 1) với quy mô diện tích 491,87ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.470 tỷ đồng; Cảng Bãi Gốc với quy mô diện tích khoảng 400ha, tổng vốn đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng; Khu liên hợp Gang thép tại Khu công nghiệp Hòa Tâm với tổng vốn đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng. Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên đang thu hút kêu gọi các dự án như: Trung tâm Dữ liệu và cơ sở kết nối cáp viễn thông biển trên bờ (DATA CENTER), Trung tâm Logistics gắn với cảng cạn (IDC)... Cùng đó, liên danh Becamex - VSIP nghiên cứu đề xuất đầu tư Dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex Vsip Phú Yên với quy mô diện tích dự kiến 1.920 ha (bao gồm các khu công nghiệp khoảng 1.400 ha, khu đô thị - dịch vụ khoảng 520 ha)…
Đắk Lắk cũng đang quy hoạch 5 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp, tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, nhất là chế biến nông sản - thế mạnh của tỉnh. Khu công nghiệp Hòa Phú có diện tích khoảng 332 ha, hiện có 44 doanh nghiệp hoạt động, tổng doanh thu hằng năm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Tại 9 cụm công nghiệp của tỉnh, đã có 175 dự án đăng ký đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 92%. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), việc sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên là chủ trương mang tính chiến lược, nhằm tái cấu trúc không gian phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên vùng, liên kết vùng, khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng và phát huy tổng hợp nội lực sẵn có của hai địa phương. Sản phẩm củađịa phương có thể thông thương ra thế giới qua cảng biển ở phía Đông hoặc cửa khẩu biên giới đất liền phía Tây. Hàng hóa lưu thông thúc đẩy sản xuất phát triển, từ lợi thế so sánh chuyển thành lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Việc sáp nhập hai tỉnh là một hướng đi mang tính đột phá nếu được triển khai đúng cách. Đây là cơ hội để tạo lập một trung tâm phát triển mới, đa ngành, có chiều sâu và có khả năng kết nối quốc tế mạnh mẽ hơn. Để chủ trương này thành công, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy hoạch, cơ chế đặc thù, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân và bộ máy quản lý ở cả hai tỉnh.
Để tạo động lực cho tỉnh mới phát triển sau hợp nhất, bà Lê Đào An Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên kiến nghị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội cần có chính sách phân bổ ngân sách linh hoạt, đầu tư công ưu tiên cho các hạ tầng trọng điểm; cơ chế rõ ràng về thuế, tín dụng, đất đai cho các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, tỉnh mới hợp nhất từ Đắk Lắk và Phú Yên sẽ thực sự là cực tăng trưởng mới của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.