Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2022 - 2030: Hạn chế mặt trái của đồng tiền FDI

'FDI - đồng tiền hai mặt' là cụm từ được nêu để khái quát về những mặt tích cực và tiêu cực mà dòng vốn FDI lâu nay mang lại cho nền kinh tế. Bên cạnh những hiệu quả đã được ghi nhận, FDI cũng đem lại những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, chuyển giá - trốn thuế, công nghệ lạc hậu… Trong hợp tác FDI giai đoạn tới, cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề để hạn chế những mặt trái này của 'đồng tiền FDI'.

Đưa quy hoạch FDI vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, FDI là nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế, không chỉ là động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, mà còn góp phần tạo ra nhiều việc làm, bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý. Tuy nhiên, mặt trái của đồng vốn FDI cũng ngày càng bộc lộ như: gây ô nhiễm môi trường; công nghệ lạc hậu; chuyển giá - trốn thuế; chiếm dụng đất nhưng không triển khai dự án; đầu tư “chui”, đầu tư vào những nơi “nhạy cảm” ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng…

Những vấn đề này cho thấy, “lựa chọn đúng đối tác - đúng dự án” là đòi hỏi bắt buộc đối với FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới. Tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, yêu cầu này đã được nêu rõ với nội dung cụ thể là “thu hút, hợp tác với nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đồng thời, “đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế”.

Theo TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC Ltd), thực hiện đúng định hướng và quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 50 là yêu cầu tiên quyết để có thể “nắn” lại dòng vốn FDI đi đúng mục tiêu trong giai đoạn tới.

Để thực hiện được tốt nhất các nội dung của định hướng trên, Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế ISC khuyến nghị lựa chọn đối tác và lựa chọn dự án cần theo đúng quy hoạch phát triển FDI trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc. Nói một cách khác là đưa các dự án FDI cần thu hút vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước theo ngành và địa bàn. Lợi ích của việc này là tránh được việc thu hút FDI bằng mọi giá, chọn đúng được đối tác và dự án FDI Việt Nam cần, loại bỏ được sự cạnh tranh giữa các địa phương về số vốn và số dự án FDI thu hút được, các địa phương chỉ còn cạnh tranh về đích sớm khi đạt được số vốn, số dự án FDI theo quy hoạch được phân bổ. Việc lựa chọn đối tác nên tính đồng thời với việc lựa chọn dự án.

Cùng với đó, các bộ chuyên ngành cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các yêu cầu đối với việc lựa chọn các dự án FDI để các địa phương dễ thực hiện và thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Ví dụ như công nghệ cao, công nghệ sạch... cần được hiểu cụ thể như thế nào, bởi giữa các ngành, lĩnh vực lại đòi hỏi công nghệ ở mức độ khác nhau và có các quy chuẩn riêng về công nghệ…

Chú trọng đào tạo nhân lực để đón đầu đổi mới công nghệ

Về chính sách quản lý của nhà nước, tính từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời đến nay (1987), công tác quản lý nhà nước về FDI ngày càng được hoàn thiện, đã đóng góp không nhỏ vào thành công của FDI tại Việt Nam. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế của FDI tại Việt Nam mà công tác quản lý nhà nước chưa khắc phục được, đòi hỏi phải có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Trong đó, một số vấn đề mà Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế đề xuất là nhanh chóng khắc phục các chồng chéo của hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành liên quan đến đầu tư nước ngoài; tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính “một cửa” nhằm xử lý được nhanh các nhu cầu phát triển, các vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp FDI trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài

Thực tế thu hút FDI thời gian qua cho thấy, cách tiếp cận xúc tiến đầu tư hiện chưa đúng với nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư không đầu tư theo danh mục dự án kêu gọi đầu tư quốc gia và danh mục dự án của các địa phương mới gọi, phần lớn các dự án được cấp phép đều do các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất.

Tình hình trên cho thấy, các cơ quan về xúc tiến đầu tư của Việt Nam còn chưa coi trọng việc nghiên cứu thị trường đầu tư để khớp nối nhu cầu của hai phía. Theo TS. Phan Hữu Thắng, về dài hạn cần xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư dựa trên quy hoạch phát triển FDI trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là đẩy nhanh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ xúc tiến đầu tư từ trung ương đến các địa phương.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho FDI cũng là yêu cầu quan trọng. Hiện tại số lao động ở Việt Nam chưa qua đào tạo còn lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu. Các doanh nghiệp FDI đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề, đặc biệt trước sức ép của cạnh tranh phải đổi mới công nghệ. Đã đến lúc Việt Nam cần có chiến lược về lao động để tối đa hóa những lợi ích từ nguồn vốn FDI, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể tiếp thu được công nghệ cao.

Do vậy, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần đi trước một bước và phải được thực hiện một cách bài bản, coi đào tạo nguồn nhân lực là một mục tiêu quan trọng trong hợp tác đầu tư nước ngoài. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo bám sát xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đầu năm

Mặc dù tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 91,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, xét về tổng thể, FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2021 (đạt 15,27 tỷ USD). Tuy giảm 8,1% nhưng nếu phân tích chi tiết thì vẫn thấy xu hướng tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi trong quý I/2021 có 2 dự án tỷ đô đăng ký mới gồm Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.

Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 (loại trừ 4,41 tỷ USD của 2 dự án tỷ đô cấp mới) thì tổng vốn đăng ký FDI 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 29,2% so với 6 tháng đầu năm 2021. Một điểm sáng nữa trong thu hút FDI 6 tháng đầu năm là vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 65,6% (đạt 6,82 tỷ USD). Đồng thời vốn đầu tư thực hiệ̣n của khu vực FDI đạt gần 10,1 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, các chỉ số này phản ánh rõ nét xu hướng chung của sự phục hồi mạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Số liệu thu hút FDI cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần hai năm hạn chế bởi dịch Covid-19.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hop-tac-dau-tu-nuoc-ngoai-giai-doan-2022-2030-han-che-mat-trai-cua-dong-tien-fdi-109458.html