Hợp tác đẩy nhanh số hóa thương mại xuyên biên giới

Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc tại châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) vừa tổ chức Tuần lễ Thương mại không giấy tờ đầu tiên nhằm thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn giữa các bên liên quan thuộc khu vực công và tư nhân, thực hiện số hóa thương mại xuyên biên giới.

Hiệp định Khung về tạo thuận lợi cho thương mại không cần giấy tờ xuyên biên giới ở châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) quy tụ hơn 30 quốc gia thành viên và 10 đối tác phát triển quốc tế. Yếu tố trung tâm của Tuần lễ Thương mại không giấy tờ (kết thúc ngày 7-6) là CPTA đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp thương mại kỹ thuật số. Đặc biệt, hiệp định hỗ trợ các quốc gia chuyển sang giảm dần việc sử dụng giấy, sau đó là thương mại không giấy tờ, bằng cách cung cấp một nền tảng liên chính phủ chuyên dụng và toàn diện.

 Hội thảo của ESCAP về thương mại không giấy tờ. Ảnh: ESCAP

Hội thảo của ESCAP về thương mại không giấy tờ. Ảnh: ESCAP

Khảo sát toàn cầu mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) về tạo thuận lợi thương mại bền vững và kỹ thuật số nhấn mạnh, các biện pháp thương mại không cần giấy tờ xuyên biên giới vẫn là một trong những sáng kiến ít được thực hiện nhất ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Sự tồn tại dai dẳng của thách thức này có thể do nhiều nước không có khả năng thực hiện các biện pháp đó một cách hiệu quả.

Theo Báo cáo chung về tạo thuận lợi Thương mại châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và ESCAP ban hành đầu năm nay, việc áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại kỹ thuật số có thể giúp giảm 11% chi phí thương mại trên toàn khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong thương mại xuyên biên giới không giấy tờ. Tỷ lệ thực hiện trung bình chỉ 42% cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm.

Để tạo điều kiện thực hiện thành công thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, ESCAP nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác nhất quán và bền vững trong việc phát triển các giải pháp cần thiết. Hiệp định khung đóng vai trò là khuôn khổ thể chế khu vực trung lập và chuyên dụng để phát triển và thử nghiệm các giải pháp, tiếp tục xây dựng dựa trên các sáng kiến quốc gia, song phương và tiểu khu vực nhằm đạt được mục tiêu số hóa thương mại. ESCAP cũng đã tổ chức một loạt hội thảo xây dựng năng lực và các sự kiện tương tác bên lề Tuần lễ Thương mại không giấy tờ. Các hội thảo này, thông qua thảo luận và tương tác, đã hỗ trợ quan hệ đối tác công tư trong việc thúc đẩy số hóa các thủ tục thương mại.

Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Thư ký điều hành ESCAP, cho biết: “Chỉ từ 5 bên ban đầu tham gia Hiệp định khung về tạo thuận lợi cho Thương mại xuyên biên giới không cần giấy tờ ở châu Á và Thái Bình Dương, giờ đây chúng tôi tự hào có 13 quốc gia tham gia - một minh chứng cho động lực ngày càng tăng đằng sau việc thực hiện hiệp định này”. Dự báo về việc mở rộng hơn nữa thành phần tham gia hiệp định khung, bà Alisjahbana nhấn mạnh 3 yếu tố then chốt: cam kết bền vững của lãnh đạo chính phủ trong việc xây dựng nền tảng cần thiết cho cả thương mại không cần giấy tờ trong nước và xuyên biên giới; bản chất quan trọng của quan hệ đối tác trong việc thực hiện hiệp định khung; thúc đẩy tích cực lợi ích của thỏa thuận trong phạm vi ảnh hưởng tương ứng của các thành viên.

HUY QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hop-tac-day-nhanh-so-hoa-thuong-mai-xuyen-bien-gioi-post745256.html