Hợp tác FDI Việt Nam–Australia là cầu nối bền vững cho quan hệ hai nước
Tại Diễn đàn đầu tư song phương Việt Nam-Australia chiều 17/4, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Bộ KH&ĐT cam kết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Australia tại Việt Nam, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Việt Nam – Australia đang tiến đến mở ra một chương mới của 50 năm quan hệ ngoại giao tiếp theo. Năm 2022, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, và kết quả đó có sự đóng góp của quan hệ hợp tác với Australia.
Về tình hình hợp tác đầu tư, tính đến tháng 3/2023, các nhà đầu tư Australia có 593 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,99 tỷ USD, chiếm 0,4% tổng vốn FDI và đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2022 - 2023, Australia tăng thêm 18% vốn ODA dành cho Việt Nam, từ 78,9 triệu AUD lên 92,8 triệu AUD.
Theo Thứ trưởng KH&ĐT, với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đôi bên cùng có lợi, Việt Nam đang tập trung thu hút FDI ở các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo…
"Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp hai bên tích cực tham gia tiên phong vào các lĩnh vực hợp tác, làm cầu nối cho mối quan hệ hợp tác đôi bên ngày càng đi vào chiều sâu. Sự hợp tác tốt đẹp của các doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển bền vững”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định với các nhà đầu tư tại diễn đàn, Bộ KH&ĐT cam kết giữ vững ngọn cờ đổi mới để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam.
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell cho biết, doanh nghiệp Australia đã đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990.
"Australia không chỉ muốn dừng hoạt động của mình ở đó mà còn mong muốn tham gia đóng góp vào các lộ trình phát triển của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và giảm phát thải ròng bằng 0”.
Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell
Đồng thời, Bộ trưởng Don Farrell cũng chào mừng các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn Australia là điểm đến cho các lĩnh vực đầu tư của mình.
“Nền kinh tế Australia có năng lực tự cường và luôn cố gắng cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư”, ông Don Farrell chỉ ra điểm thuận lợi.
Với mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam – Australia, Bộ trưởng Don Farrell nhìn nhận, diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư không chỉ cho bối cảnh hiện tại mà còn cho tương lai phía trước.
Việt Nam đẩy mạnh chính sách hợp tác với các nhà đầu tư
Thông tin về chính sách thu hút FDI của Việt Nam, ông Vũ Văn chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, năm 2022 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt gần 4.110 USD, tăng hơn 1,02% so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,02% vào năm 2022, mức kỷ lục mới trong giai đoạn 2011 - 2022 này đánh dấu sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam.
Trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Là lũy kế đến tháng 3/2023, Việt Nam đã thu hút đầu tư từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với tổng cộng 36.881 dự án. Vốn đầu tư đăng ký lên tới 444,1 tỷ USD.
Trong đó, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc) đang đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Thu hút FDI đóng góp nhiều tác động vào nền kinh tế Việt Nam, đóng góp vào 20% tổng GDP của đất nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
“Trước đây, Việt Nam thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài giờ đây chuyển sang hợp tác với các nhà đầu tư để tìm ra giải pháp cho hai quốc gia cùng có lợi. Chúng tôi hướng đến sự thành công của tất cả các bên, doanh nghiệp đầu tư, Chính phủ, người lao động với phương châm tất cả đều thắng”, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ.
Ông Vũ Văn Chung cũng khẳng định, từ giai đoạn khởi đầu đến nay, chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã có những bước tiến rất dài, theo những chuẩn mực quốc tế và mang lại quyền lợi cho các nhà đầu tư, Chính phủ, xã hội và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.