Hợp tác phát triển 1.500 ha lúa công nghệ cao gắn với phát triển tín chỉ carbon
Chiều 5/7, tại An Giang, đã diễn ra Lễ ra mắt Phân viện Astri Tây Nam Bộ và ký kết hợp tác phát triển 1.500 ha lúa công nghệ cao gắn với phát triển tín chỉ carbon.
Sự kiện do Viện Nghiên cứu Công nghệ hỗ trợ Nông nghiệp (Astri) tổ chức tại Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang cũ) với sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, các sở ban ngành, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – công nghệ cao.

Lễ ra mắt phân viện nghiên cứu công nghệ hỗ trợ nông nghiệp Tây Nam Bộ
Phát biểu tại chương trình, TS. Tống Văn Hải, đại diện Viện Astri cho biết, việc thành lập Phân viện Astri Tây Nam Bộ đánh dấu một bước tiến chiến lược trong quá trình triển khai các giải pháp công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – nơi đang phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng như xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài và suy thoái đất canh tác.
Phân viện được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy sự đổi mới trong nông nghiệp khu vực. Trọng tâm hoạt động của Phân viện sẽ tập trung vào ba hướng chính. Trước hết là phát triển nông nghiệp thông minh và chính xác, thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị bay không người lái (drone) nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao hiệu quả canh tác.
Bên cạnh đó, Phân viện sẽ thúc đẩy các mô hình canh tác phát thải thấp, khai thác hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, đồng thời hướng tới việc tạo lập và giao dịch tín chỉ carbon theo chuẩn quốc tế.
Cuối cùng, một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao chuỗi giá trị nông sản địa phương, thông qua việc cải tiến giống, hoàn thiện quy trình canh tác, chế biến sâu và từng bước xây dựng thương hiệu nông sản bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Lễ ký kết giữa Phân viện Astri Tây Nam Bộ và Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hữu cơ Toàn Cầu
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, Viện Astri và Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hữu cơ Toàn Cầu đã công bố và tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược triển khai dự án “Vùng trồng lúa công nghệ cao gắn với phát triển tín chỉ carbon” trên quy mô 1.500 ha tại khu vực Hòn Đất, tỉnh An Giang.
Dự án này được xem là mô hình điểm quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam kết hợp giữa sản xuất lúa gạo chất lượng cao với công nghệ 4.0 và cơ chế đo lường, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV) để tạo ra tín chỉ carbon. Qua đó, dự án không chỉ mở ra một hướng phát triển mới, tạo nguồn thu bổ sung bền vững cho nông dân và doanh nghiệp, mà còn góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.
“Chúng tôi không chỉ thành lập một phân viện, mà đang gieo một hạt giống của sự thay đổi và hy vọng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Phân viện Tây Nam Bộ sẽ là nơi đưa các giải pháp công nghệ hiện đại nhất vào thực tiễn, biến những thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển bền vững, mang lại giá trị kép – kinh tế và môi trường.”, TS. Tống Văn Hải nhấn mạnh.
Việc thành lập Phân viện Astri Tây Nam Bộ cũng là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của Viện Astri trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác công – tư và nâng cao năng lực nội địa trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đây không chỉ là lễ ra mắt một cơ sở nghiên cứu mới, mà còn là dấu mốc quan trọng thể hiện sự kết nối giữa khoa học – doanh nghiệp – địa phương trong mục tiêu chung xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thông minh, và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Các Đại biểu tham dự lễ ra mắt phân viện Astri Tây Nam Bộ

Ông Chữ Đức Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Astri phát biểu

Ông Phan Văn Hài, Phó Viện trưởng Viện Astri, kiêm Giám đốc Phân Viện Astri Tây Nam bộ phát biểu

Bà Nguyễn Việt Chinh cố vấn chiến lược phân viện Astri Tây Nam Bộ phát biểu

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ ra mắt phân viện