Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và xu hướng chuyển đổi 'xanh'

Năng động vươn lên phát triển kinh tế, nhiều hợp tác xã do phụ nữ làm chủ còn góp phần bảo vệ môi trường sống bằng sự sáng tạo, linh hoạt, thực hiện 'xanh' hóa quy trình sản xuất.

 Người lao động của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Anh Minh trong giờ sản xuất

Người lao động của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Anh Minh trong giờ sản xuất

Thành công với mô hình chuỗi khép kín

Vợ chồng chị Phạm Thị Hương đều là kỹ sư của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. "Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ thực tế, năm 2022, vợ chồng tôi thành lập Hợp tác xã (HTX) nông trại hữu cơ Thái Bình.

Điều đặc biệt của HTX là chúng tôi xây dựng theo chuỗi khép kín giữa chăn nuôi và trồng trọt, luân canh cây, con giống theo mùa vụ. Mô hình khép kín vừa giúp giảm chi phí đầu tư, vừa cho sản phẩm đảm bảo sạch từ gốc", chị Hương cho biết.

Với 4ha nông trại ban đầu, vợ chồng chị dùng 1.000 m2 làm chuồng trại, 1.000 m2 xây dựng nhà màng để trồng các loại rau, củ, quả và hơn 8.000 m2 trồng các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế bền vững như: Măng tây xanh, cà tím, hoa đu đủ đực, các loại cây ăn quả...

"Với 1.000 m2 chuồng trại, chỉ trong một năm, HTX đã dành khoảng 6 tháng cho việc trồng nấm. Sản lượng thu hoạch là 10 tấn nấm tươi/vụ. Giá bán trung bình là 40.000 đồng/kg. Ngay năm đầu tiên chúng tôi đã thu được 400 triệu đồng/vụ.

Trong 4 tháng tiếp theo, chúng tôi chăn nuôi gà, với quy mô 6.000 con/vụ. Tổng thu nhập của đàn gà là 120 triệu đồng/vụ. Hai tháng còn lại trong năm, toàn bộ diện tích chuồng trại được sử dụng vào việc ủ phân hữu cơ, phân xanh. Từ đó, tôi tận dụng nguồn phân gà và phôi nấm thải đem ủ thành phân hữu cơ, làm dinh dưỡng bón cho các loại cây trồng trong nhà màng và vườn cây của HTX", chị Hương chia sẻ.

Còn với 1.000 m2 nhà màng, HTX sử dụng trồng các loại rau, củ, quả như: Cà chua bi, nho, bông cải xanh, cải bó xôi, xà lách thủy tinh... Tất cả được trồng theo công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nước tự động bằng kĩ thuật nhỏ giọt hoặc phun sương.

Với hơn 8.000 m2 còn lại, HTX trồng cây măng tây, cây đu đủ đực và một số cây ăn quả lâu năm, tận dụng các loại chất thải từ trại nấm và chăn nuôi gà làm phân bón cho cây. Hằng ngày, 6 nhân công của HTX liên tục thu hoạch, phân loại, đóng gói các loại rau, củ để vận chuyện đến các cửa hàng nông sản sạch của nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Sơn La...

Chị Phạm Thị Hương (HTX nông trại hữu cơ Thái Bình) chăm sóc cây trồng tại nông trại

Chị Phạm Thị Hương (HTX nông trại hữu cơ Thái Bình) chăm sóc cây trồng tại nông trại

Thúc đẩy sản xuất "xanh"

Tại tỉnh Bình Phước, Hợp tác xã Nấm - Đông trùng hạ thảo phụ nữ Bình Phước (huyện Bù Đốp) là mô hình mới, hiện có 7 thành viên. Hợp tác xã (HTX) có phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo với các công đoạn cấy, nhân giống, tạo giống và nuôi trồng đều được đầu tư, trang bị hệ thống máy tự động.

Chị Nguyễn Thị Tiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nấm - Đông trùng hạ thảo phụ nữ Bình Phước, cho biết, để nuôi cấy và sản xuất thành công đông trùng hạ thảo đòi hỏi khâu chọn giống và giá thể nuôi cấy kỹ lưỡng. Môi trường nuôi cấy nấm phải sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí…

Quá trình nuôi cấy nấm hữu cơ rất thân thiện với môi trường. Các phế phẩm thải ra sau đó đều được HTX cho vi sinh để xử lý làm thức ăn cho dê.

"Trong quá trình nuôi cấy, sản xuất sản phẩm, vấn đề môi trường luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. HTX đi theo hướng hữu cơ nên phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, môi trường.

Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai dự án tận dụng vườn điều, cao su trên địa bàn để trồng nấm, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho bà con nông dân tại địa phương, vừa góp phần bảo vệ môi trường", chị Tiên cho biết.

Tại Quảng Bình, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Anh Minh (huyện Lệ Thủy) có 9 thành viên, chủ yếu là phụ nữ tham gia trồng trọt, sản xuất các chế phẩm vệ sinh và trồng các loại cây dược liệu. Các sản phẩm chủ lực của HTX có thể kể đến như dầu gội, sữa tắm, dung dịch vệ sinh, tinh dầu…

Chị Vũ Thị Hoàn, Phó giám đốc điều hành HTX Anh Minh, cho biết, các sản phẩm của HTX đều được sản xuất từ thảo mộc, quy trình sản xuất gần như không có rác thải. Rác trong quá trình sản xuất chủ yếu là bã thảo mộc đều được tái sử dụng, dùng chế phẩm vi sinh ủ để trở thành phân bón, tiếp tục chu trình trồng các loại thảo mộc, dược liệu.

Bên cạnh đó, trong quy trình sản xuất tinh dầu, nước cất và hydro cũng được chuyển đổi thành sản phẩm mới như nước lau sàn, nước rửa chén để làm sạch, tạo mùi thơm. Việc bảo vệ môi trường là định hướng ngay từ đầu của HTX. Người nông dân cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, cho biết, sau một thời gian triển khai, việc thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 01) đã bước đầu góp phần hỗ trợ, nâng cao đời sống của thành viên và người lao động trong các HTX; phát huy sức mạnh tập thể, gắn kết được số đông hội viên, phụ nữ tham gia. Với mục tiêu vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng, việc triển khai thực hiện Đề án 01 không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa-xã hội của địa phương mà còn đóng góp quan trọng trong hoạt động cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai…

Các HTX do phụ nữ quản lý đều chú trọng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ cảnh quan, phát huy tối đa năng lực cộng đồng trong quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hoàng Hà - Đình Hưng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hop-tac-xa-do-phu-nu-tham-gia-quan-ly-va-xu-huong-chuyen-doi-xanh-20241128161950717.htm