Nga cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu trong các dự án dầu khí từ 60% xuống 38%
Nga khẳng định khả năng tự triển khai các dự án dầu khí tại Bắc Cực về mặt công nghệ, bất chấp các lệnh trừng phạt và việc bị cấm chuyển giao công nghệ liên quan đến thăm dò và khai thác hydrocacbon tại vĩ độ cao.
Kể từ sau các lệnh trừng phạt đầu tiên vào năm 2014, Nga đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển chủ quyền công nghệ và giảm sự phụ thuộc của ngành dầu khí nội địa vào nhập khẩu từ 60% xuống còn 38%.
Thông tin trên được Tiến sĩ kinh tế Alexey Fadeev, Phó Chủ tịch Hội đồng Công chúng tại Ủy ban Bắc Cực St. Petersburg, chia sẻ với TASS.
"10 năm trước, mức độ phụ thuộc của ngành dầu khí Nga vào nhập khẩu là 60%, trong khi ở một số lĩnh vực cụ thể, con số này còn cao hơn đáng kể - hơn 90% trong thăm dò và khai thác trên thềm lục địa, hơn 80% trong sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đến nay, mức độ này đã giảm đáng kể xuống còn 38%, điều này đặc biệt quý giá trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chưa từng có", ông Fadeev nhấn mạnh.
Nỗ lực thay thế nhập khẩu trong nước
Kể từ năm 2014, Liên bang Nga đã thực hiện nhiều chương trình thay thế nhập khẩu và phát triển thị trường dịch vụ quốc gia cho các nhà cung cấp và nhà thầu. Hàng loạt giải pháp công nghệ Nga đã thay thế các sản phẩm từng phụ thuộc vào nhập khẩu, bao gồm các hệ thống điều khiển quay, đội tàu phục vụ công tác nứt vỡ thủy lực, tổ hợp Crab độc đáo phục vụ thăm dò địa chấn, trực thăng ngoài khơi đầu tiên dành riêng cho điều kiện Bắc Cực, cùng các thiết bị bơm, nén và hóa chất khoan.
Trong các chương trình trên, công nghệ Arctic Cascade sáng tạo trong hóa lỏng khí tự nhiên đã giúp giảm tới 30% chi phí quy trình.
Hướng tới phát triển toàn diện
Tuy nhiên, ông Fadeev thừa nhận Nga vẫn chưa thể hoàn toàn độc lập với nhập khẩu. Trong năm 2023, Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng Nga, phối hợp cùng Viện Sáng kiến Công nghệ Dầu khí, đã phân tích mức độ phụ thuộc vào thiết bị và công nghệ nước ngoài của ngành năng lượng Nga.
Kết quả trên cho thấy, trong lĩnh vực thăm dò - khai thác - chế biến, ngành tiêu thụ khoảng 1.400 loại thiết bị và công nghệ, trong đó có 220 loại vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Nga đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện để giải quyết những "khoảng trống công nghệ" này. Các lộ trình phát triển chủ quyền công nghệ trong ngành năng lượng đã được xây dựng ở sáu lĩnh vực trọng yếu.
Trong năm 2023, Trung tâm Kỹ thuật Kronstadt được thành lập, nơi các chuyên gia nhanh chóng làm chủ việc sửa chữa tua-bin nhập khẩu và sản xuất linh kiện cho các thiết bị này.
"Trung tâm này không chỉ nhanh chóng phát triển thành nơi có năng lực hàng đầu về thay thế nhập khẩu, mà còn thu hút các viện nghiên cứu chuyên ngành. Viện Sáng kiến Công nghệ Dầu khí cũng có kế hoạch chuyển trụ sở tới đây, nhằm đáp ứng yêu cầu chung của ngành về thiết bị và công nghệ dầu khí. Bên cạnh đó, các phòng ban ứng dụng của các trường đại học kỹ thuật hàng đầu Nga cũng sẽ đặt tại đây", ông Fadeev nói thêm.
Năng lực độc đáo tại Bắc Cực
Nga hiện sở hữu những năng lực vượt trội trong khai thác dầu công nghiệp tại Bắc Cực, như dự án Prirazlomnoye và New Port, cũng như hóa lỏng khí tự nhiên với dự án Yamal LNG. Ngoài ra, năng lực vận chuyển dầu và khí tự nhiên hóa lỏng trong điều kiện băng giá cũng là một thế mạnh không quốc gia nào khác có được.
"Những thách thức ngoại giao và kinh tế hiện nay đã thúc đẩy Nga giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và xây dựng chính sách công nghệ riêng, dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, các công ty năng lượng, khoa học và công nghiệp", ông Fadeev kết luận.