Hợp tác xã nông nghiệp khôi phục sản xuất
Hơn một tháng nay, nông dân thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) bận rộn hơn khi đưa thêm giống rau màu ngắn ngày vào trồng. Bà Hoàng Thị Sáng ở thôn Đông Cao chia sẻ: 'Gia đình tôi có hơn 3 sào trồng rau, củ. Đợt dịch vừa qua, tuy gia đình vẫn duy trì sản xuất nhưng mức tiêu thụ khá chậm. Hiện, tôi đưa thêm giống rau ngắn ngày, rau ăn lá vào sản xuất cùng củ cải - loại rau củ trồng chính của nông dân Đông Cao để tăng nguồn thu nhập'.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) Vũ Văn Kỳ cho hay, thế mạnh của Đông Cao là củ cải, cà chua, cải ngồng. Toàn thôn Đông Cao có hơn 200ha trồng rau, củ các loại, trong đó có 134ha được Chi cục Bảo vệ, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đầu năm, dịch bệnh tuy không tác động lớn đến sản xuất song mức tiêu thụ giảm đáng kể, đặc biệt là lượng củ cải xuất bán sang Trung Quốc, Nhật Bản. Để khắc phục tình trạng này, hợp tác xã hướng dẫn người dân chủ động đưa những giống cây rau ngắn ngày vào trồng để cân đối thị trường, khôi phục sản xuất.
Tương tự, những ngày qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) cũng huy động xã viên đẩy mạnh sản xuất. Theo bà Bùi Thị Thanh Hà - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà, để nâng cao năng suất, cung ứng nhiều hơn cho thị trường nguồn rau an toàn, vừa qua, hợp tác xã đã huy động 15 nhân công, vận hành tối đa hệ thống máy móc tại khu sản xuất, đa dạng hóa loại rau… Do rau của hợp tác xã đều được chứng nhận VietGAP, có nhãn hiệu nên người tiêu dùng ưa chuộng, sử dụng, sức tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, hợp tác xã thực hiện chuyển đơn hàng đi các tỉnh, thành phố nên đã huy động tối đa nguồn nhân lực, hệ thống máy móc hỗ trợ, nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu khách hàng…
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành thông tin, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã chuyên cung ứng nông sản, thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn... Ngoài ra, gần 70% số hợp tác xã không nhập được giống cây trồng từ Trung Quốc dẫn đến giảm khoảng 50% lượng nông sản/cây trồng bán ra thị trường so với tháng 12-2019…
Để thuận lợi hơn trong khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, Liên minh Hợp tác xã thành phố yêu cầu các hợp tác xã tập trung tổng hợp, kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc, thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Liên minh Hợp tác xã thành phố tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng, qua đó, có biện pháp hỗ trợ kịp thời theo quy định. Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã thành phố tích cực phối hợp với các quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh; duy trì, phát triển sản xuất theo chuỗi; tăng cường liên kết, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.