Hợp tác xã Toàn Thắng: Phát huy thế mạnh đồi rừngTin khácTiếp tục siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt pháPhát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Toàn Thắng (thôn Ngả Hai, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn) đã phát huy thế mạnh để tập trung trồng rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.'HTX Toàn Thắng là HTX hoạt động có hiệu quả nhất trong lĩnh vực lâm nghiệp, không chỉ nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng'.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011, HTX Toàn Thắng hiện có 13 thành viên tập trung phát triển mô hình trồng cây lâm nghiệp với diện tích trên 200 ha (chủ yếu là cây thông, hồi, quế, mỡ). Ông Phạm Văn Lân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: Nhận thấy trên địa bàn thôn có nhiều đất đồi trồng lúa nương đã bỏ hoang của người dân có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng, tôi đã bàn với anh em ở thôn mua những diện tích đất đồi đó để trồng cây, gây rừng, phát triển kinh tế. Đến năm 2011, tôi đã làm thủ tục để thành lập HTX Toàn Thắng.

Thành viên HTX Toàn Thắng kiểm tra, chăm sóc rừng quế

Thành viên HTX Toàn Thắng kiểm tra, chăm sóc rừng quế

Ngay sau khi thành lập, Ban Quản trị HTX đã họp, bàn, thống nhất ban đầu chủ yếu trồng thông và cắt cử các thành viên chủ chốt đi mua giống cây về trồng. Đến năm 2013, HTX chuyển hoạt động theo quy định của Luật HTX, xây dựng phương án, kế hoạch phát triển cụ thể và mở rộng sản xuất trồng các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên và đem lại giá trị kinh tế cao như cây mỡ, quế, hồi…

Để rừng phát triển tốt, sau khi trồng, các thành viên HTX duy trì họp thường xuyên 2 lần/tháng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Ông Phạm Văn Lân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết thêm: Năm 2019, khoảng 25 ha rừng quế bị nhiễm bệnh, các thành viên HTX đã họp bàn, tìm hiểu nguyên nhân thông qua sách, mạng Internet và trang bị máy móc phun thuốc trừ bệnh hại. Đến nay, rừng quế sinh trưởng, phát triển tốt.

Ngoài ra, HTX chú trọng đầu tư 30 máy móc, thiết bị phát dọn thực bì giúp cây sinh trưởng tốt. Bên cạnh việc chăm sóc, điều đặc biệt trong cách làm của HTX chính là phân công các thành viên đi tuần rừng thường xuyên, nhất là trong thời tiết hanh khô nhằm phòng, chống cháy rừng. Nhờ HTX làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng, thời gian qua, không xảy ra cháy rừng.

Ông Phạm Ngọc Na, thành viên HTX cho biết: Tham gia HTX, tôi được học hỏi các kinh nghiệm, cùng các thành viên chăm sóc, bảo vệ và làm kinh tế từ phát triển đồi rừng. Hiện, tôi có 25 ha rừng, năm 2017, gia đình tôi khai thác, bán được 50 tấn vỏ quế, thu nhập đạt khoảng 500 triệu đồng. Đến năm 2020, tôi tiếp tục khai thác và bán 100 xe gỗ mỡ, thu về gần 1 tỷ đồng. Khai thác đến đâu, tôi tiếp tục đầu tư trồng mới đến đó. Ngoài ra, gia đình trồng thêm 700 cây ăn quả có múi, trung bình một năm thu nhập đạt gần 100 triệu đồng.

Hiện nay, tổng diện tích rừng của HTX có trên 200 ha, khoảng 2 năm trở lại đây, những cánh rừng mỡ, rừng quế đã bắt đầu được khai thác và xuất bán trong và ngoài tỉnh, trung bình mỗi năm, doanh thu HTX đạt trên 1 tỷ đồng, đem lại thu nhập cao cho các thành viên. Ngoài ra, mỗi năm, HTX trồng mới từ 10 đến 15 ha, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và khoảng 300 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập từ 200 đến 500 nghìn đồng/ngày.

Ông Vy Kim Truyền, Giám đốc Liên Minh HTX

CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/479914-hop-tac-xa-toan-thang-phat-huy-the-manh-doi-rung.html