Hợp thức hóa taxi công nghệ bằng cách quản lý mới

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dừng thí điểm loại hình ứng dụng đặt xe (taxi công nghệ) kể từ ngày 1/4. Theo đó, xe công nghệ sẽ chính thức hoạt động theo hành lang pháp lý mới là Nghị định 10/200/NĐ-CP của Chính Phủ, đây được nhìn nhận là bước tiến để xe công nghệ hoàn tất việc thí điểm, mở rộng hoạt động ra nhiều địa phương khác.

Giải pháp nhận diện

Theo đó, Nghị định 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014) có hiệu lực từ 1/4/2020, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đang nhận được nhiều sự quan tâm chú ý. Điểm đáng chú ý, Nghị định cũng nhắm đến giải quyết những tranh cãi xung quanh công tác quản lý và nhận diện xe công nghệ suốt nhiều năm qua. Qua 12 lần đưa ra dự thảo thì cuối cùng Nghị định cũng đã dung hòa được mâu thuẫn giữa 2 loại hình vận tải cũ và mới.

Xe công nghệ đi vào cuộc sống, người tiêu dùng hưởng lợi. Ảnh: Giang Nam

Xe công nghệ đi vào cuộc sống, người tiêu dùng hưởng lợi. Ảnh: Giang Nam

Cụ thể, việc thí điểm kinh doanh taxi công nghệ (Grab, Vato, Emdi, FastGo, Be...) theo Quyết định 24 năm 2016 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ dừng từ ngày 1/4/2020. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Sở Giao thông Vận tải các địa phương, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị thí điểm kinh doanh “taxi công nghệ” dừng hoạt động. Các đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải đang thí điểm, các đơn vị đang liên kết phương tiện chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Đầu năm 2016, bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định (số 24/QĐ-BGTVT) cho phép công ty TNHH GrabTaxi và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm tại các địa phương nêu trên. Thời gian thí điểm cho thấy, nhiều ưu điểm mà loại hình taxi này đã mang lại, đặc biệt là sự tiện lợi, nhanh chóng, minh bạch trong chi phí... đối với người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng có nhiều bất cập mà Grab gây ra, nhất là mâu thuẫn với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh taxi truyền thống. Biểu hiện rõ nhất là, hàng nghìn tài xế taxi truyền thống đã “biểu tình”, các đơn vị kiện cáo đến tòa...

Qua tìm hiểu, trong Nghị định lần này về cơ bản đã cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn 1 trong 2 phương án, đó là gắn hộp đèn với chữ taxi theo kiểu truyền thống, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định “cứng” bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe đã gây nhiều tranh cãi trước đây, khi xe công nghệ đa phần là xe cá nhân và kinh doanh trong thời gian rảnh rỗi.

Riêng với trường hợp không gắn hộp đèn trên nóc xe, taxi và xe hợp đồng điện tử Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải dán 2 logo phản quang "Xe Taxi và Xe hợp đồng" ở kính trước và sau. Cũng theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, việc dừng thí điểm ứng dụng công nghệ trên xe hợp đồng chở khách dưới 9 chỗ ngồi không có nghĩa là sẽ dừng hoạt động của loại hình này. Người dân vẫn có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng để đặt phương tiện. Bên cạnh đó, một điểm mới của Nghị định 10/2020/NĐ-CP là các lái xe đang hoạt động vận tải dưới 9 chỗ có thể tự do lựa chọn việc gắn hộp đèn hay tem taxi trên kính trước và kính sau.

Quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, về cơ bản việc dừng thí điểm taxi công nghệ là phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Hơn hết, khi áp dụng theo Nghị định mới về cơ bản khâu nhận diện loại hình vận tải sẽ rõ ràng hơn. Đồng quan điểm này, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, giải quyết của Chính phủ hiện nay là thỏa đáng vì nó phù hợp với nguyện vọng của anh em taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Người dân có bị ảnh hưởng?

Tiện lợi trong kết nối với các lái xe, thuận tiện trong lựa chọn lộ trình di chuyển là hai trong những tiện ích của loại hình taxi công nghệ mang đến cho người dân tại nhiều đô thị trên cả nước. Minh chứng dễ thấy, chỉ trong hơn 3 năm khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm tại 5 tỉnh thành phố, loại hình này đã thay đổi chính cách thức gọi xe taxi của người dân. Nó cũng gián tiếp thay đổi hoàn toàn thị trường vận tải hành khách ở Việt Nam.

Với taxi công nghệ, người tiêu dùng được tiếp cận với một sản phẩm hoàn toàn mới, với không chỉ giá cước rẻ hơn mà còn chất lượng dịch vụ tốt hơn. Người tiêu dùng dần “bỏ rơi” taxi truyền thống, thậm chí ngay cả lái xe taxi truyền thống, không ít người cũng gia nhập đội ngũ taxi công nghệ. Khách hàng sụt giảm, thái độ phục vụ và giá cước vận chuyển của các hãng taxi truyền thống vì thế cũng được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, trong quá trình thí điểm loại hình này đã gây nhiều tranh cãi gay gắt giữa các hãng taxi truyền thống và taxi công nghệ, thậm chí còn xảy ra vụ kiện tụng đình đám giữa Vinasun và Grab. Được biết, xe công nghệ sẽ chính thức hoạt động theo hành lang pháp lý mới là Nghị định 10/200/NĐ-CP sẽ tạo nên một cục diện mới trong quản lý thị trường taxi, tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ với hoạt động vận tải. Đặc biệt, tránh được tình trạng thất thu thuế cho nhà nước cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Quanh câu chuyện dừng thí điểm taxi công nghệ, điều này cũng đặt ra vấn đề, xe công nghệ sẽ phải cạnh tranh với các phương thức vận tải truyền thống khác như taxi tại các địa phương mà nó hoạt động. Song thiết nghĩ, còn quá sớm để đưa ra nhận định về việc xe công nghệ được mở rộng hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế, nhưng rõ ràng nó mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng, người dân tham gia giao thông.

Nói cách khác, minh bạch từng loại hình doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp cung cấp công nghệ là cần thiết để phục vụ công tác quản lý, và làm lành mạnh hóa thị trường, phát huy được thế mạnh của mỗi bên trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải. Hơn hết, người tiêu dùng trên cả nước, chứ không còn gói gọn tại 5 tỉnh, thành thí điểm nữa sẽ được tiếp cận và sử dụng một phương thức đi lại khác với các phương thức truyền thống bấy lâu.

Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải thì sẽ dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng hay quen gọi là taxi công nghệ (Quyết định 24/2016/QĐ-BGTVT) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, các địa phương đang thí điểm gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán phù hiệu cố định trên xe ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định (tại điểm b, khoản 6, Điều 36 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hop-thuc-hoa-taxi-cong-nghe-bang-cach-quan-ly-moi-103833.html