Hứa hẹn đột phá về kết cấu hạ tầng nhiệm kỳ 2020 - 2025: Bài 1 - Những công trình mang dấu ấn đột phá về hạ tầng
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông là chủ trương lớn được Đảng bộ tỉnh vận dụng ngày càng hiệu quả, triển khai nhiều dự án, công trình tạo động lực phát triển KT-XH, cải thiện dân sinh.
Your browser does not support the audio element.
Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình đưa vào hoạt động mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh.
Những công trình làm thay đổi diện mạo quê hương
Những năm đầu tái lập tỉnh, hạ tầng KT-XH hầu như chưa có gì, đời sống Nhân dân còn rất khó khăn. Hòa Bình khi đó chỉ là hình ảnh mờ nhạt phía sau thủy điện Hòa Bình. Hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ chắp vá, nhỏ, quanh co khuất nẻo. Từ thị xã Hòa Bình về đến trung tâm các huyện qua dốc Cun, dốc Quy Hậu… dài hút hút, đường xóc, quần áo đỏ bụi đường. Còn các xã vùng cao chủ yếu là đường mòn, đường đất, bùn đỏ, sình lầy, đến được xã có khi cả tuần khăn gói đồ đạc lỉnh kỉnh, nhiều xóm, bản chưa có đường chứ đừng nói đến các công trình hạ tầng khác như trạm y tế, trường học, trụ sở làm việc… Nhiều huyện còn cầu phao, cầu tạm, giao thông cách trở.
Mong mỏi có đường là nỗi khát khao của cán bộ và Nhân dân trong tỉnh. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các cấp đều xác định xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng là trọng tâm phấn đấu thực hiện. Mỗi kỳ đại hội đi qua chứng kiến sự đổi thay rõ rệt về diện mạo KT-XH và kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Phong trào làm đường giao thông phát triển mạnh mẽ từ vùng đất xa xôi, khó khăn như Yên Thủy, Kim Bôi, Mai Châu… Người dân góp sức, góp công, phá đá mở đường đã cải thiện từng bước dân sinh, xóa đói, giảm nghèo.
Giai đoạn 2005 - 2010, tỉnh quyết liệt cùng Bộ Giao thông vận tải, nhà thầu tập trung thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn 5 huyện (Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy), đem lại sinh khí mới cho các xã có đường đi qua, đời sống người dân nhiều xóm, bản vùng sâu, xa… được cải thiện rõ rệt. Tiếp đến là hàng loại dự án nâng cấp quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, các công trình cầu, ngầm được đầu tư, phát huy hiệu quả, từng bước giải quyết tình trạng cách trở, thu hẹp khoảng cách vùng khó khăn với vùng thuận lợi. Có thể kể đến tuyến đường lên các xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngổ Luông, Tự Do (Lạc Sơn); quốc lộ 12 B… và nhiều tuyến đường nối các huyện, liên xã được cải tạo, nâng cấp, mở mới, cùng với các công trình hạ tầng khác đã tạo diện mạo mới cho nhiều vùng quê trong tỉnh.
Nhiệm kỳ bứt phá về hạ tầng
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 được coi là nhiệm kỳ thành công, tạo sự bứt phá về hạ tầng KT-XH của tỉnh. Từ nguồn lực đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhiều công trình, dự án được triển khai, hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư, mở ra lợi thế cạnh tranh, khai thác tiềm năng, lợi thế, cải thiện đời sống Nhân dân. Năm 2018, đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng được đưa vào khai thác, giảm áp lực trên quốc lộ 6, kết nối trung tâm TP Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội chỉ còn gần 1 giờ xe chạy, đến nay đang tạo ra sức hút thu hút đầu tư của tỉnh. Đường 435 từ TP Hòa Bình đi xã Suối Hoa (Tân Lạc) đã hoàn thành êm thuận, mở ra cơ hội rất lớn cho phát triển du lịch hồ Hòa Bình, thúc đẩy kinh tế, cải thiện dân sinh trong khu vực. Đúng như mục tiêu của dự án, tuyến đường đang mang lại sự đổi thay mạnh mẽ. Hai bên đường từ làng, từ xóm trông như phố, như phường. Cảng Thung Nai trở thành trung tâm vận chuyển khách du lịch thăm quan hồ thủy điện Hòa Bình, khu vực trung tâm xã tấp nập đông vui. Các xóm Nẻ, Liếm, Ngòi (xã Suối Hoa) từ chỗ là những xóm, bản xa lắc lơ đến nay phát triển trông thấy, có nhà tầng kiên cố; nông, lâm sản vận chuyển thuận tiện hơn rất nhiều. Tiềm năng du lịch vùng hồ đang được đánh thức, hàng loạt dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch hứa hẹn tạo sự đổi thay về chất cho du lịch Hòa Bình.
Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, tỉnh quyết tâm triển khai nhiều dự án, công trình có ý nghĩa chiến lược, làm đổi thay diện mạo đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Trong đó phải kể đến một số dự án có tiến độ triển khai nhanh và cảm nhận được hiệu quả rõ rệt. Công trình đường nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng về đích trước hết hoạch 1 năm, đưa vào khai thác đầu năm nay tạo ra chuỗi "đất vàng” khu trung tâm Quỳnh Lâm, với hàng loạt dự án hạ tầng thương mại, đô thị, nhà ở xã hội đang sôi động triển khai. Công trình cầu Hòa Bình 2 tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng kết nối 2 bờ sông Đà, thiết kế kiến trúc tháp và chiếu sáng với 2 trụ tháp, được coi là công trình đẹp nhất qua sông Đà, mở ra không gian rộng lớn phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ của TP Hòa Bình…
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các địa phương, ngành chức năng cũng chú trọng khai thác các nguồn vốn đầu tư hạ tầng đô thị, khu - cụm công nghiệp, hệ thống lưới điện, hạ tầng thông tin; thủy lợi, công trình cấp, thoát nước, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa; hạ tầng du lịch tạo diện mạo đổi thay đô thị, nông thôn miền núi. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với những chỉ tiêu nổi bật về tổng mức đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đô thị hóa đạt 28,69% (năm 2020).
(Còn nữa)