Huệ Anh và những thao thức cùng Ngỏ
'Sinh viên 5 tốt' Đinh Thị Huệ Anh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đang học năm thứ 2, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Không chỉ học giỏi, Huệ Anh còn là thành viên ban chủ nhiệm nhiều câu lạc bộ của trường. Hiện Huệ Anh là Trưởng nhóm Dự án Ngỏ, một dự án tâm lý được nhiều người quan tâm.
Huệ Anh cho biết, Ngỏ là tên của dự án tâm lý được thành lập vào đầu tháng 3/2021 lấy cảm hứng từ câu chuyện cá nhân khi bạn còn là học sinh cấp THPT gặp phải những vấn đề tâm lý, tuy nhiên khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn ngay tại thành phố mình đang sống thì gặp khó khăn. Điều này đặt ra một câu hỏi khiến Huệ Anh luôn trăn trở: Liệu những bạn học sinh cũng gặp phải vấn đề tâm lý như mình có thể tự vượt qua được không? Vậy nên khi học môn “Dự án cá nhân” của giảng viên, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Vui và có cơ hội thực hiện một dự án cho báo cáo cuối kỳ của môn học, Huệ Anh luôn thao thức rồi đi đến quyết định thực hiện một dự án liên quan đến tâm lý để hỗ trợ các bạn học sinh.
Vì vậy, Dự án Ngỏ được ra đời trước nỗ lực của Huệ Anh cùng nhóm bạn sinh viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Huệ Anh hiện là trưởng nhóm dự án, là người phụ trách lên kế hoạch, điều phối chung, quản lý những hoạt động của dự án cũng như những hoạt động trên fanpage. Ngỏ là dự án cộng đồng, phi lợi nhuận nhằm hướng đến việc xây dựng môi trường cộng đồng bền vững, nơi sức khỏe tinh thần được chú trọng và chăm sóc kỹ càng. Thông qua dự án, nhóm thực hiện mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần bằng cách mang đến cho mọi người những kiến thức tâm lý. Từ đó khiến mọi người có một cái nhìn bao quát và rõ ràng hơn về lĩnh vực này, cũng như giúp tự trang bị cho mình khả năng vượt qua các vấn đề thường xuyên gặp phải trong cuộc sống hoặc tìm đến những nơi hỗ trợ uy tín.
Khi thực hiện dự án, Huệ Anh và các thành viên muốn hướng đến các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh THPT ở trong độ tuổi từ 16-18 tuổi. Bởi vì đây là lứa tuổi nhạy cảm và dễ gặp phải các vấn đề tâm lý (Tỉ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam trong độ tuổi này từ 8%-29% - theo Unicef, 2017). Ngỏ muốn trở thành người đồng hành, lắng nghe những chia sẻ của các bạn cũng như cung cấp và hỗ trợ những kiến thức về tâm lý, giúp các bạn có cái nhìn toàn diện về vấn đề mà mình đang gặp phải, cũng như giúp đỡ mình và những người xung quanh.
Huệ Anh cho biết trong quá trình thực hiện dự án chia sẻ chuyên đề “Stress học đường: Căng thẳng, ngỏ lời thẳng thắn” được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Ngỏ đã đến làm việc ở 3 trường THPT trên địa bàn 3 tỉnh khác nhau. Đó là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), Trường THPT Quang Trung (Tây Ninh) và Trường THPT chuyên Bảo Lộc (Lâm Đồng). Qua đó, Ngỏ biết rằng, nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần vẫn chưa được chú trọng và các hoạt động hỗ trợ tâm lý vẫn còn rất hạn chế tại các địa điểm dự án triển khai. Hầu hết, các trường chưa có phòng tham vấn học đường, hoặc có nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Nguyễn Hoài Nam đánh giá cao việc làm ý nghĩa của Huệ Anh cũng như nhóm bạn của Dự án Ngỏ; mong rằng dự án thường kết nối với trường để có thêm nhiều học sinh được tư vấn về tâm lý học đường.
Trong thời gian Ngỏ đến các điểm trường để hoạt động chia sẻ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh cũng như các thầy cô giáo. Tại mỗi trường, các bạn học sinh đều có những vấn đề riêng, nhưng hầu hết đều gặp phải những khó khăn như: Xung đột với bố mẹ về định hướng nghề nghiệp trong tương lai, áp lực về việc học và đạt thành tích, không thể cân bằng thời gian giữa việc học và thời gian dành cho bản thân, vấn đề với các mối quan hệ tình cảm, bạn bè... Khi nhận được những câu chuyện, những lời tâm sự từ các bạn học sinh, các thành viên của Ngỏ luôn cố gắng chia sẻ, hỗ trợ và cung cấp cho các bạn những liệu pháp tâm lý, những hoạt động bổ ích cũng như cách thức để đối phó với khó khăn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Huệ Anh chia sẻ, khi Ngỏ đến các điểm trường THPT, có trường hợp một bạn học sinh thổ lộ: Dù không muốn nhưng bạn ấy luôn có ý nghĩ về việc tự làm hại bản thân, thậm chí có ý định tự tử và xin Ngỏ lời khuyên. Nhận thấy sự nghiêm trọng của vấn đề vượt ngoài khả năng của Ngỏ nên nhóm dự án đã hỗ trợ bằng cách giới thiệu đến các phòng tham vấn tâm lý có chuyên môn cao hơn và những đường dây nóng mà bạn có thể gọi tới khi cảm thấy khó khăn.
Bên cạnh sự ủng hộ, giúp đỡ từ mọi người, nhóm dự án Ngỏ cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện về kinh phí, thời gian, khoảng cách và phương tiện di chuyển đến các địa phương. Vượt qua tất cả, Huệ Anh cùng các thành viên của Ngỏ quyết tâm thực hiện được dự án ý nghĩa, phù hợp với mong muốn và chuyên môn của nhóm. Huệ Anh cho biết, thời gian sắp tới, em và các bạn trong nhóm hy vọng sẽ phát triển dự án Ngỏ rộng và sâu hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng ở các tỉnh, thành phố về các vấn đề liên quan đến tâm lý; chăm sóc sức khỏe tinh thần của tuổi mới lớn, một nội dung rất được xã hội quan tâm.