Huế - 'Kinh đô ẩm thực' Việt Nam

Đối với du khách trong và ngoài nước, ẩm thực Huế có sức hấp dẫn đặc biệt. Trên thực tế, nhiều du khách lựa chọn Huế là điểm đến du lịch cũng xuất phát từ nhu cầu được khám phá, thưởng thức ẩm thực tại địa phương này.

Vùng đất hội tụ tinh hoa

Năm 2023, trang web Taste Atlas chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới đã đánh giá, xếp hạng thành phố Huế đứng thứ 28 trong 100 thành phố có các món ăn ngon trên thế giới. Ẩm thực Huế được các chuyên gia và thực khách quốc tế chấm 4,56/5 điểm. Các món ăn nổi tiếng nhất được nhắc đến gồm: bún bò, bánh bột lọc, cơm hến, nem lụi, chè, bánh nậm, bánh phu thê, tôm chua...

Nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà nhận định, Huế là vùng đất "tụ" và "tỏa" của tinh hoa ẩm thực. Có nhiều yếu tố để làm nên nét đặc trưng và giá trị của ẩm thực Huế. Đó là điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan sinh thái phong phú. Ngoài ra, Huế từng là kinh đô của nhà Nguyễn. Từ thuở kinh kỳ, đặc sản từ nhiều vùng miền cùng những đầu bếp giỏi từ Bắc chí Nam hội tụ về Huế. Vùng đất này cũng là thủ phủ Phật giáo xứ Đàng Trong nên cũng có hệ thống các món ăn chay đa dạng, đặc sắc.

Nhìn chung, ẩm thực Huế tập trung ở ba loại chính gồm ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay. Trong số hơn 3.000 món ăn của cả nước thì Huế chiếm hơn phân nửa với khoảng 1.700 món. Không chỉ nổi trội về số lượng, đặc sắc về chất lượng, ẩm thực Huế còn bao gồm cả nghệ thuật chế biến, không gian và phương tiện thể hiện, tính chất xã hội nghi lễ trong ăn uống của người Huế… Người Huế đến với ẩm thực không theo nghĩa sinh học giản đơn, mà thưởng thức bằng cả khứu giác, thị giác và cả… thính giác. Điều đó đã góp phần tạo cho Huế một thương hiệu ẩm thực riêng.

Nâng tầm vị thế ẩm thực Huế

Thời gian qua, Huế đã có những biện pháp mang tính chiến lược để củng cố danh hiệu, khẳng định tính chuyên nghiệp của ẩm thực Huế thông qua việc triển khai Đề án "Huế- Kinh đô Ẩm thực". Nếu được gia nhập vào UCCN, Huế sẽ mở ra cơ hội tiếp cận, hợp tác, chia sẻ với các thành phố sáng tạo về ẩm thực. Đặc biệt, có thể sở hữu đòn bẩy về thương hiệu để thúc đẩy, khai thác những tiềm năng trong lĩnh vực này.

Theo TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, khi tham gia vào mạng lưới UCCN về ẩm thực, mỗi thành phố đều có những lợi thế riêng, sở hữu những giá trị ẩm thực độc đáo cũng như những cách thức, kế hoạch nhằm phát huy hiệu quả. Huế có thể tìm được những bài học kinh nghiệm từ các thành phố này.

Cụ thể, địa phương cần phải xem ẩm thực là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Cần lựa chọn được yếu tố đặc sắc nhất trong số di sản ẩm thực để xây dựng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu ẩm thực chính là xây dựng thương hiệu cho thành phố. Việc tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho thành phố và tìm kiếm cơ hội hợp tác có thể triển khai thông qua các lễ hội ẩm thực. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực ẩm thực. Tập trung bảo tồn nền ẩm thực truyền thống của địa phương. Thúc đẩy các sáng kiến vì sự phát triển bền vững của ẩm thực địa phương dựa vào cộng đồng và vì cộng đồng.

Từ đó, TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh cho rằng, việc xây dựng Huế trở thành thành phố sáng tạo về ẩm thực là cần thiết và những tiêu chí của UCCN cũng như kinh nghiệm của các thành phố tham gia mạng lưới chính là nền tảng quan trọng giúp thành phố Huế có thể khai thác một cách hiệu quả, tối ưu, bền vững vốn di sản ẩm thực đặc sắc và giàu có của mình.

Theo kế hoạch, Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực, được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng hồ sơ theo quy định, đảm bảo chất lượng, lộ trình sẽ trình UNESCO vào năm 2025. Việc thực hiện thành công đề án này sẽ giúp Huế mở ra nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Và vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương kể từ ngày 1/1/2025. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đưa thành phố Huế trở thành thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam. Việc làm này không chỉ xây dựng một thành phố mạnh về văn hóa mà còn tạo động lực phát triển cho cả khu vực và quốc gia. Nên việc Huế trở thành thành phố sáng tạo về ẩm thực sẽ góp phần khẳng định và nâng tầm giá trị thương hiệu "Huế- Kinh đô Ẩm thực", nâng cao vị thế địa phương trên bản đồ ẩm thực thế giới. Đây cũng là cơ sở để các cộng đồng người dân Huế nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh dịch vụ gắn với di sản ẩm thực năng động, sáng tạo của người dân Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển bền vững, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam ra thế giới.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hue-kinh-do-am-thuc-viet-nam-20250126091127989.htm