'Hùm xám' Tây Ninh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Phạm Văn Chiến là lính trinh sát vũ trang huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Giai đoạn từ năm 1967 đến 1975, ông được mệnh danh là 'hùm xám' của tỉnh Tây Ninh. Sau khi giải phóng, năm 1976, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Sinh năm 1951, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại ấp Xóm Đồng (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), từ nhỏ, tiếng bom cùng đạn xới cày cũng như hình ảnh địch giết hại đồng bào đã hun đúc ý chí quật cường chống giặc của chàng thanh niên có tên Phạm Văn Chiến. Nhờ sớm giác ngộ và tham gia cách mạng nên năm 16 tuổi, Chiến chính thức nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật cho lực lượng Trinh sát an ninh huyện Gò Dầu.

Tháng 12/1967, Chiến được ông Bảy Lâm - Đội trưởng tuyển thẳng vào biên chế, chính thức trở thành đội viên Đội trinh sát vũ trang huyện Gò Dầu với nhiệm vụ là phải xây dựng cơ sở cách mạng. Những ngày đầu tham gia, Chiến được giao cây súng CKC với lời dặn: "Mỗi viên đạn là một tên giặc". Lúc mới thành lập, Đội trinh sát huyện Gò Dầu chỉ có 3 người. Nhiệm vụ của các thành viên là tìm diệt những tên ác ôn, gián điệp chỉ điểm cho địch.

Chiến luôn nhớ câu huấn thị của ông Bảy Lâm nhắc nhở: diệt một tên gián điệp là cứu được hàng trăm cơ sở cách mạng của ta. Theo đó, người lính trinh sát phải mưu trí, dũng cảm và Chiến trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi không chỉ với bọn cảnh sát chìm mà còn là nỗi kinh hoàng của lính bộ binh, biệt kích, lữ đoàn Anh Cả Đỏ... thiện chiến của Mỹ tại khu vực Gò Dầu. Mỗi lần nhắc đến tên Phạm Văn Chiến, kẻ thù điều khiếp sợ.

Năm 1972, địch liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở bí mật của ta. Qua tìm hiểu, nguyên nhân do tên thiếu úy Ngô được biệt phái từ Sài Gòn về Tây Ninh xây dựng mạng lưới tình báo, điệp báo chỉ điểm. Nghe tin, Phạm Văn Chiến xin cấp trên được nhận nhiệm vụ xử lý. Theo phân công, bằng mọi giá, kể cả hy sinh, Chiến cùng đồng đội phải tiêu diệt được tên ác ôn này. Tiếp cận đối tượng, Chiến bất ngờ khi điệp báo viên cho Ngô là một phụ nữ. Trong thâm tâm, Chiến phân loại kẻ thù rất đơn giản: tên nào cầm vũ khí là kẻ địch trực tiếp, cần tiêu diệt ngay. Người nào không cầm vũ khí nhưng phục vụ cho địch thì răn đe để họ có cơ hội làm lại cuộc đời.

Ông Chiến xem cuốn sách viết về 1.000 Anh hùng Việt Nam

Ông Chiến xem cuốn sách viết về 1.000 Anh hùng Việt Nam

Ngay thời điểm thiếu úy Ngô và kẻ chỉ điểm gặp nhau, Chiến và đồng đội quyết định hành động. Một phát đạn chính xác đã khiến tên thiếu úy... "chầu trời". Đối với kẻ chỉ điểm, Chiến và đồng đội quyết định bắn cảnh cáo khiến đối tượng ngất ngay tại chỗ. Trước khi tiếng súng báo động bọn lính ập đến, Chiến và đồng đội đã rút lui an toàn cùng quyển sổ bí mật của thiếu úy Ngô. Sau này, khi được hỏi vì sao không giết luôn tên điệp báo, anh trả lời: "Họ là người dân nhưng do bị xúi giục nên làm điều ác. Chứng kiến sự trừng trị nghiêm khắc của cách mạng, họ sẽ ăn năn hối cải".

Đúng như những gì Chiến dự tính, kẻ chỉ điểm sau này không còn là điệp báo cho địch nữa, thậm chí cùng con mình tham gia cách mạng (trong đó có người hy sinh cả tính mạng cho đất nước và được phong tặng Liệt sĩ). Sau trận đánh đó, nhiều cảnh sát của địch còn đào ngũ vì sợ bị cách mạng trừng trị. Mạng lưới điệp báo của địch trở nên suy yếu đến nỗi không hoạt động được nữa. Với những chiến tích lẫy lừng, Phạm Văn Chiến được đồng đội yêu mến gọi ông là "hùm xám" Tây Ninh.

Anh hùng giữa lòng dân

Năm 1972, trước thềm Hội nghị Paris, địch điên cuồng càn quét vùng căn cứ cách mạng. Chiến nhận được thông tin địch sẽ đổ thiết giáp về khu vực Rỗng Tượng (Gò Dầu). Lúc đó, Chiến được phân công làm Đại đội trưởng, chỉ huy Đại đội trinh sát vũ trang. Với lực lượng chênh lệch, ít ai nghĩ đơn vị Chiến phụ trách lại có thể kháng cự một binh đoàn hùng mạnh của địch. Thế nhưng điều đó đã xảy ra! Trước khi rút lui, tên chỉ huy của địch chua chát thừa nhận: "Sự dũng cảm của họ đã làm nên chiến thắng".

Ông Chiến đọc một bài báo viết về mình

Ông Chiến đọc một bài báo viết về mình

Hàng trăm lần đối diện cái chết, thậm chí có lần lọt thỏm giữa cơn mưa bom B52 nhưng Chiến vẫn sống sót. Có những trận thoát chết được đồng đội ghi nhận như một huyền thoại. Đó là trận lọt vào ổ phục kích của địch. Đêm hôm ấy, Đại đội trưởng Phạm Văn Chiến dẫn 26 đồng chí di quân sang địa điểm mới. Đang đi, thấy "đồng chí” của mình ở cạnh đội nón sắt, thế là Chiến nổ súng. Thì ra, đơn vị của Chiến đã lọt vào đội hình phục kích và địch cũng không hay biết sự "trà trộn" đó.

Vừa nổ súng, vừa ném lựu đạn và tiến quân xuyên tâm đội hình của địch, vậy mà cả đơn vị không ai bị thương, lại thu được mấy khẩu súng "chiến lợi phẩm". Năm 1972, Phạm Văn Chiến được đưa sang khu vực giáp biên giới Campuchia tham dự khóa huấn luyện trinh sát do Bộ Công an tổ chức. Trường do ông Bùi Thiện Ngộ làm Hiệu trưởng. Từ khóa huấn luyện đặc biệt này, Phạm Văn Chiến trở về địa phương tiếp tục đột nhập thành công vào các doanh trại của địch để thu lượm tin tức.

Ông Phạm Văn Chiến (ngồi giữa) trong một cuộc họp (ảnh tư liệu)

Ông Phạm Văn Chiến (ngồi giữa) trong một cuộc họp (ảnh tư liệu)

Ông Phạm Văn Chiến và người bạn đời

Ông Phạm Văn Chiến và người bạn đời

Năm 1976, trong đợt tuyên dương danh hiệu Anh hùng ngành An ninh lần thứ hai toàn quốc và là lần đầu tiên của miền Nam, Phạm Văn Chiến có tên trong số 8 người con ưu tú của miền Nam được phong tặng. Trong số 8 Anh hùng đợt đó, ông là một trong 3 người còn sống sau chiến tranh. Sau năm 1975, ông Chiến được điều về Ty Công an Tây Ninh tiếp tục công tác. Năm 1986, ông Chiến công tác tại Phòng Thanh tra Công an Tây Ninh cho đến lúc về hưu.

NAM ANH - SONG NGỌC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/hum-xam-tay-ninh_151482.html