Hun đúc tình yêu và nhân lên trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Tại 2 hòn đảo tiền tiêu nằm cách xa đất liền là đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, những người lính quân hàm xanh luôn gắn bó, đồng hành với các lão ngư, trưởng tộc họ - được ví như những 'cây đại thụ' trên đảo để tuyên truyền về tình yêu biển, đảo của Tổ quốc đến với các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra trên đảo Phú Quý. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra trên đảo Phú Quý. Ảnh: Văn Chương

Truyền thống trăm năm

Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận trong quá khứ có tên là Cù Lao Khoai Củ, đảo Thuận Tĩnh. Các nhà thờ trên đảo có khắc năm tháng vào cây xà nhà (đòn dông), hoặc ghi trong tài liệu chữ Nôm để lưu dấu cho đời sau biết được cha ông đã từ đất liền ra đảo mở cõi, thực hiện chính sách biên phòng toàn dân từ hàng trăm năm. Trong một văn bản chữ Nôm đề tháng 12 năm Đinh Tỵ (1797), dân đảo Phú Quý bắt 8 tên cướp biển Tàu Ô, áp giải về thành Gia Định. Trước đó, triều đình đã trang bị vũ khí để người dân bảo vệ đảo.

Từ sau năm 1975 đến nay, nhiều hoạt động trên đảo đều có sự tham dự của BĐBP, như: Lễ hội công chúa Bàn Tranh, Lễ hội cầu ngư, Lễ an tang cá Ông... Cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã sát cánh cùng chính quyền địa phương và nhất là các tộc họ để tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân thêm gắn bó và có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Lão ngư dân Ngô Văn Chức, sinh năm 1942, là người được bà con gọi là "cây đại thụ" trên đảo. Ông Chức chia sẻ: “Gia đình đã kết nghĩa với BĐBP nhiều năm rồi, mình phải tuyên truyền cho con cháu tiếp tục vươn ra bám giữ quần đảo Trường Sa mà các thế hệ đi trước đã đổ biết bao xương máu, hy sinh để bảo vệ, giữ gìn”.

Ông Chức thường được cán bộ, chiến sĩ BĐBP thăm hỏi, động viên để từ đó, ông chia sẻ với thế hệ trẻ về những năm tháng đi biển không có thiết bị định vị, tàu thuyền nhỏ, thiếu thiết bị nghe nhìn, vậy nhưng từ năm 1984 đã đi ra tận các đảo Tiên Nữ, Sinh Tồn, Nam Yết...

Những thanh niên bây giờ đi biển có đầy đủ các thiết bị như: Máy định vị Furuno, máy định dạng Haiyang phát sóng AIS để cảnh báo, tránh đâm va khi hành trình trên biển, các thiết bị Icom tầm xa. Khi nghe lão ngư dân Ngô Văn Chức và BĐBP nói chuyện, ai cũng gật đầu thán phục. Vì 40 năm về trước, tàu đánh cá ở đảo có kích thước chỉ có chiều dài chừng 15 mét, công suất máy chỉ 33 mã lực, nhưng các ngư dân kỳ cựu đã nhìn sao trên trời để xuôi ngược Trường Sa.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn cùng với các tộc họ, các đoàn hát bộ trên đảo tuyên truyền về tình yêu biển, đảo thông qua các tiết mục hát bộ. Tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng nhất trên đảo là bài vè Đi Kinh, do cụ Bùi Quang Diệu sáng tác vào năm 1901. Cách đây 123 năm, các ngư dân Phú Quý đã theo cụ Diệu xuôi ngược trên biển, ra tận kinh thành Huế để đấu tranh đòi giảm thuế, thả người bị lính Pháp bắt. Nhiều ngư dân kỳ cựu ở đảo cho biết, bài vè Đi Kinh cũng tạo niềm cảm hứng cho các thế hệ ngư dân vươn khơi xa.

Lan tỏa sâu rộng

Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức như một lễ hội, còn các tộc họ ở làng An Hải thì vẫn thu nhỏ buổi lễ trong các dòng tộc. Gõ cụm từ này trên Google có thể tìm ra được 267.000 kết quả. Điều đó cho thấy hoạt động này đã lan tỏa rất sâu rộng trong cộng đồng. Mới đây (ngày 23/4), làng An Hải đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2024 để tưởng nhớ cha ông đã anh dũng hy sinh trên biển trong sự nghiệp gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đối với chính quyền và BĐBP trên đảo, buổi lễ này là dịp để ý thức về chủ quyền biển, đảo được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng làng biển Lý Sơn, mà còn mở rộng ra nhân dân cả nước. Việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thông qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thấm sâu vào lòng nhân dân nhờ câu chuyện về những hùng binh Hoàng Sa tràn đầy xúc cảm.

Cán bộ BĐBP tuyên truyền về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho các em học sinh ở đảo Lý Sơn. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ BĐBP tuyên truyền về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho các em học sinh ở đảo Lý Sơn. Ảnh: Văn Chương

Trong tài liệu của Huyện ủy Phú Quý xuất bản năm 1992 đề cập, ở đảo Phú Quý cũng từng có những đội ngư dân cảm tử hằng năm nhận nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, đó là chèo thuyền ra tận quần đảo Trường Sa để tìm kiếm đồi mồi mang về nộp cho triều đình Huế. Họ ra đảo không chỉ là thu lượm hải vật, mà còn để thể hiện vai trò làm chủ vùng biển, đảo thông qua các hoạt động dân sự.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng , Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, người góp phần phục dựng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho biết, buổi lễ được tổ chức không phải chỉ ở đảo Lý Sơn, mà còn ở nhiều nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi. Nơi nào có những binh phu đi Hoàng Sa thì nơi ấy tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tuy nhiên, tại đảo Lý Sơn, nghi thức lễ này rất đặc biệt và được gìn giữ, tổ chức qua nhiều đời.

Năm nào cũng vậy, con em ngư dân, các em học sinh đều có mặt trong buổi lễ trang trọng. Vị trí ngồi của các em là hàng ghế sau lưng các cụ bô lão ở làng An Vĩnh. Đại úy Mai Văn Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi cho biết, đơn vị thường xuyên cùng nhà trường tổ chức nhiều chương trình để các em gắn bó, trở thành hậu duệ của các thế hệ hùng binh Hoàng Sa.

Thiêng liêng cột cờ chủ quyền

Cột cờ Lũng Cú tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là nơi thường tổ chức các buổi chào cờ mang tính biểu tượng rất cao nhằm giáo dục truyền thống yêu nước. Còn tại các đảo tiền tiêu, chào cột cờ chủ quyền là nghi lễ mang tính biểu tượng hướng về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, ở các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước đã được xây dựng rất nhiều cột cờ chủ quyền, bao gồm: Đảo Trần (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Hòn La (Quảng Bình), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Cù Lao Xanh (Bình Định), đảo Phú Quý (Bình Thuận), đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Chương trình chào cột cờ chủ quyền luôn có sự tham dự của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện đảo Lý Sơn, người từng xuôi ngược trên chiếc thuyền nhỏ để ra bám biển Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1983 chia sẻ: “Từ cột cờ chủ quyền trên núi Thới Lới ở huyện đảo Lý Sơn nhìn về phía Đông là hướng đi của những con thuyền ra tới quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc; còn từ cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo Phú Quý nhìn về hướng Đông là ra tới quần đảo Trường Sa, BĐBP trên đảo luôn gắn bó với bà con ngư dân, động viên các thế hệ con cháu ngày đêm yên tâm bám trụ bảo vệ chủ quyền”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hun-duc-tinh-yeu-va-nhan-len-trach-nhiem-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-cua-to-quoc-post475699.html