Hùng Râu và một kiếp rong ca
Bỏ lại chiến trường K một chân trái, nửa bàn chân phải, gần chục đốt ngón tay phải cùng chi chít thương tích trên mình, Hùng râu rời binh nghiệp, mưu sinh bằng nghề rong ca khắp phố đêm Sài Gòn. Nay ở tuổi 63, anh vẫn ôm đàn rong ca bởi 'Mình tàn nhưng không phế'.
Phận đời chìm nổi
Từ những năm 2000, các quán đêm ở đường Hải Triều, quận 1, TP.HCM như phở Hà, Cấm Chỉ… là địa bàn hoạt động chính của Hùng râu. Đôi chân tập tễnh, chòm râu để dài, phong cách bụi bặm, nhưng lại có chút hào sảng, ngang tàng, bất cần, pha phần lãng tử là nét quen nơi cầm thủ về đêm này.
Hùng có biệt tài “nhìn hình đoán chữ”, hễ thấy khách buồn anh hát nhạc buồn, khách vui lại nghêu ngao những bài vui. Ở những năm “huy hoàng” của nghề rong ca, Hùng sống khỏe với việc mưu sinh bằng cây đàn, tiếng hát, mang lại cảm xúc cho dân nhậu đêm và bán kèm vé số.
Chuyện đời của Hùng, được kể: “Tôi người Bình Định, năm 18 tuổi (1978) đi lính, được đưa lên Đắk Nông huấn luyện thời gian ngắn rồi tham gia chiến trường K, đóng quân gần Phnôm Pênh, được 7 tháng thì dính mìn (1979). Chỉ nhớ đang hành quân, tỉnh dậy trong bệnh xá, người nát bầm, chân tay chỗ còn chỗ mất”.
Thương binh Hùng râu được xếp hạng thương tật 2/4 (theo Nghị định 236-HĐBT: “Thương binh hạng 2 mất từ 61- 80% sức lao động do thương tật; mất phần lớn khả năng lao động, còn tự phục vụ được”). Dứt đường binh nghiệp, Hùng râu trở về quê nhưng không có đường sống vì không còn sức lao động, Hùng râu quyết định vào Sài thành, dùng vốn liếng là ngón đàn thời niên thiếu làm công cụ kiếm cơm bằng nghề hát rong, bán vé số dạo về đêm.
Ngày ngủ nơi xóm trọ khu Kỳ Đồng, đêm lang thang, rồi Hùng râu cũng tìm được bến đỗ với người thương, ba người con lần lượt ra đời. Trời thương ban cho Hùng râu sức khỏe kỳ lạ, mỗi ngày rời nhà từ khoảng 6 giờ chiều, rong ca đến tận 2 - 3 giờ sáng, vậy mà vẫn đều đặn năm tháng, tiền kiếm được đủ nuôi cả gia đình.
Hát theo đặt hàng
Những bước chân lang thang khiến Hùng râu như một nhân chứng sống của thế giới đêm đất Sài thành, từ chuyện hành xử giang hồ các phe nhóm, các cuộc đâm chém đẫm máu, triệt hạ nhau… Hùng râu nắm rõ, thậm chí có những vụ còn được giang hồ rỉ tai bảo nên lánh đi sớm vì sắp có biến như vụ thảm án đêm 26.1.2000 ở Cấm Chỉ đường Hải Triều.
Bên cạnh chuyện ta bà chơi đêm, dân chơi còn biết đến Hùng râu bởi biệt tài sáng tác nhạc theo nội dung yêu cầu. Nhớ có lần Hùng râu nhận đề bài là câu chuyện chàng thủy thủ làm khu Tân Cảng, lấy vợ được 7 tháng, bị vợ cắm sừng, quay lại với nhân tình cũ là một tay cũng từng vào tù ra tội. Chàng thủy thủ đau khổ, hết ca trực tìm ra quán Lan Béo ở Hải Triều giải sầu cùng đám bạn. Hùng râu được giao đề bài hát về chuyện tình buồn này.
Hai ngày sau, Hùng râu trả bài, ngồi bên vệ đường ôm đàn hát vang: “Em bỏ đi, mụ mị với mối tình si, quên hết biết bao ân tình, còn đâu hạnh phúc gia đình”. Bài hát dài, kể đúng hết các nội dung như yêu cầu, và phần thưởng cho Hùng râu đêm ấy là bữa nhậu tẹt ga, kèm thù lao tiền sáng tác và trình diễn ca khúc buồn theo tâm trạng người thủy thủ và những trận cười nắc nẻ của đám bạn nhậu.
Bẵng đi không gặp thời gian dài, hỏi ra mới biết Hùng râu gặp chuyện buồn. Một ngày xấu trời, người không được khỏe, Hùng râu về nhà sớm hơn thường lệ, hôm ấy khoảng 11 giờ khuya, bắt gặp vợ đang ăn nằm với người khác. Hùng râu quẫn trí, trong giây phút mất kiểm soát, dùng cây đàn bên mình, quơ ngang trúng hốc mắt vợ làm hỏng một con mắt.
Hùng bị bắt vì tội trạng hành hung, kêu án 5 năm, được giảm trừ còn 3 năm rưỡi. Nhớ lại những ngày đen tối ấy, Hùng râu kể: “Ngày tòa tuyên án, vợ con lạy luôn mà không xong, vì tôi sai luật, không bãi nại gì cả, phải thực thi theo luật pháp”. Vừa phải bồi hoàn tiền gây thương tích, vợ đi theo người mới, các con trưởng thành cũng mỗi đứa một phương, Hùng râu ra tù với hai bàn tay trắng, lập nghiệp lại từ đầu cũng với cây đàn và cuộc sống lê la hàng đêm.
Khí chất lính chiến
Từ hơn 20 năm trước, Hùng khi ấy mang khí khái của một người bất cần đời, một lính chiến không biết sợ. Có lần, một Việt kiều gặp Hùng ở phở Hà ngoài Hải Triều, sau khi nghe đàn hát, liền dúi tay Hùng tờ bạc 100 đô, Hùng cười nhẹ, trả lại, buông câu gãy gọn: “Cảm ơn bạn, mình tàn nhưng không phế. Mình không đi xin. Nếu mua vé số bạn lấy giúp 10 tờ, mình cảm ơn. Còn thấy vui, bạn mời mình ly bia, cụng ly uống chung là được rồi”. Nói đoạn, Hùng tập tễnh chiếc nạng, đi thẳng không chút ngoái đầu.
Gần đây gặp lại Hùng râu, thấy rõ Hùng chậm đi nhiều, chiếc xe đạp ngày xưa được thay bằng chiếc xe máy “ghẻ” Hùng tích cóp mua được. Điều khác biệt nhiều so với trước, ấy là trên cần đàn của Hùng có thêm túm kẹo. Hỏi chuyện, Hùng trầm buồn: “Vé số đêm đâu ai mua, ế lắm, bán thêm mấy thứ linh tinh. Mỗi đêm giờ cũng kiếm được đôi ba trăm, đủ sống”.
Từng hiên ngang, lang bạt khắp ngõ phố về đêm, phong sương với lời ca: “Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình”. Hùng râu nay đã già, lại phải chịu đựng những cơn đau từ vết thương mỗi khi trời trở gió. Hùng bảo: “Xưa còn khỏe, không sợ, giờ thấm lắm, trời chuyển mùa hay thay đổi chút thôi là biết liền, nhức cùng mình”. Sức tàn, lực kiệt, ba con khôn lớn ra riêng, tự lo cho bản thân, Hùng lầm lũi một mình, mức lương thương bệnh binh chỉ hỗ trợ một phần trang trải, còn lại vẫn theo kiếp rong ca mưu sinh qua ngày tháng.
Hùng râu lê bước phố đêm theo tiếng đàn ca, lời hát cũng không theo cảm xúc vui buồn của khách như Hùng từng thể hiện, giờ anh hát cho mình, hát cho qua thời gian, cho qua cuộc đời. Hỏi chuyện tương lai, Hùng rắn rỏi hẳn: “Bom đạn chiến tranh lấy đi xương máu mình còn sống được, cực khổ mấy cũng chịu được, sợ gì chứ?! Còn sức là còn đi hát, mình nuôi mình, không lệ thuộc ai cả”.
Rồi Hùng từ biệt, trong lúc chầm chậm bước ra chiếc xe máy để ven đường, nháy ánh mắt tinh anh kèm nụ cười nhếch mép của một gã bụi đời, lạc quan, như biểu thị hàm ý: “Đời mà, kệ, quên nó đi”, rồi lại gẩy đàn hát vang: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…”.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hung-rau-va-mot-kiep-rong-ca-40841.html