Hưng Yên thúc đẩy phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa
Là địa phương sở hữu dày đặc những di tích, di sản văn hóa, lễ hội... Hưng Yên đang là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và tạo ra những sản phẩm dịch vụ văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc với những nét đặc trưng.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 di tích các loại, trong đó có 4 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 177 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 280 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 8 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hơn 500 lễ hội; 147 làng nghề truyền thống cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị… Đến nay, Hưng Yên là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia.
Dựa trên cơ sở về những tiềm năng và lợi thế về tài nguyên di sản văn hóa, trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã chú trọng đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch theo hướng các sản phẩm du lịch đặc thù, đó là du lịch văn hóa tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng và các tuyến đường bộ; du lịch lễ hội dân gian truyền thống; du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng.
Đối với các sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hưng Yên luôn có sức hút riêng bởi mỗi làng nghề đều gắn với một hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP như gà Ðông Tảo, chả gà Tiểu Quan, ếch om Phượng Tường, cá mòi, bánh răng bừa, chè sen long nhãn, tương Bần, bún thang…

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 500 lễ hội và là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng quốc gia. Trong ảnh: Lễ hội làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm.
Từ những tiềm năng, lợi thế đó, trong những năm gần đây, các ngành, địa phương của tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp tổ chức thành công các lễ hội, hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm quảng bá văn hóa, con người, sản vật của Hưng Yên đến với khách hàng, du khách trong và ngoài nước.
Ðồng thời, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; ký liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch trong vùng phát triển các tour du lịch nội tỉnh như tour khám phá đất và người xứ Nhãn (tìm hiểu danh nhân Hưng Yên - làng cổ Ðại Ðồng - thương cảng Phố Hiến xưa); du lịch homestay (khám phá vùng đất Văn Giang, Khoái Châu như vườn cam đường canh, làng nghề bánh răng bừa, làng nghề trồng hoa, cây cảnh, vườn nhãn sinh thái); nét văn hóa Phố Hiến (Văn miếu Xích Ðằng - chùa Chuông - đền Mẫu - đình, chùa Hiến - cây nhãn tổ)…
Bên cạnh đó là xây dựng chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh như tuyến Hà Nội - Bắc Ninh - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình; tuyến du lịch chuyên đề lễ hội, tâm linh Phố Hiến (Hưng Yên) - chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc Ba Sao (Hà Nam)…
Về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, một số loại hình nghệ thuật như trống quân, chèo, ca trù... được Hưng Yên bảo tồn, khai thác biểu diễn tại các lễ hội, trên các hành trình, điểm du lịch trong tỉnh đã trở thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách khi đến nơi đây.

Năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, số lượng khách du lịch đến Hưng Yên ước đạt hơn 2 triệu lượt. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Ocean Park 2, huyện Văn Giang.
Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí gắn với văn hóa truyền thống của các địa phương… Các lĩnh vực khác như thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm cũng đã đạt những kết quả quan trọng, bước đầu có doanh thu và phát triển phù hợp với xu thế hiện đại…
Thống kê cho thấy, riêng trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, số lượng khách du lịch đến Hưng Yên ước đạt hơn 2 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết, để tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, tỉnh đang tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh dịch vụ văn hóa, thu hút các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm đầu tư vào các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh.
Cùng với đó, Hưng Yên còn đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có trình độ cho ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa…