Hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo: Cần ban hành 3 nghị định, 12 thông tư

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong 6 tháng tới phải tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 nghị định và ban hành 12 thông tư để hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo.

Luật Nhà giáo tác động đến hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Luật Nhà giáo tác động đến hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ nay đến hết năm, đến 1/1/2026, khi Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 nghị định và ban hành 12 thông tư để hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo với những điều khoản hết sức chi tiết. Đó là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp vì liên quan đến hơn 1 triệu người, lại trong thời gian rất ngắn.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết tại Hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 17/7, tại Hà Nội.

5 điểm nổi bật của Luật Nhà giáo

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, với ngành giáo dục với 5 điểm nổi bật đáng chú ý.

Cụ thể, Luật Nhà giáo đã khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo, bao gồm cả nhà giáo công lập và ngoài công lập. Luật quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo và các chế tài xử lý.

Luật Nhà giáo quy định “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Nhà giáo được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động… góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.

Luật quy định một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo như chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; giáo viên mầm non có thể được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định của Bộ luật Lao động…

Luật cũng chuẩn hóa và phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng nhà giáo khi hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chung là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, áp dụng thống nhất cho cả nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Luật giáo dục tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành giáo dục. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong công tác tuyển dụng nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục và có vai trò, thẩm quyền trong điều động, điều tiết nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục.

Việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.

Nhiệm vụ nhiều khó khăn, phức tạp

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định Luật Nhà giáo đã đáp ứng được những quan điểm, mục tiêu mà ban soạn thảo, cơ quan chủ trì xác định ngay từ đầu, đó là nhằm mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: GD-TĐ)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: GD-TĐ)

Luật được ban hành là điều kiện hết sức quan trọng, là căn cứ pháp lý cao nhất nhưng chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải ban hành, có hướng dẫn, có các văn bản dưới luật. Quá trình này cũng đòi hỏi công sức, trí tuệ, sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một cách hết sức khoa học, thực tiễn và bài bản trong khi đến ngày 1/1/2026, Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành, các quy định đó phải đồng bộ thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì phải cùng lúc nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ ban hành 3 nghị định và ban hành 12 thông tư để hướng dẫn thi hành những điều khoản hết sức chi tiết.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đây là những nghị định, thông tư hết sức quan trọng và khó khăn phức tạp, tác động đến hơn 1 triệu người, tác động tới các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Điều này đòi hỏi những người xây dựng các văn bản hướng dẫn phải tiếp cận trên cơ sở căn cứ về pháp lý, chính trị, khoa học, thực tiễn với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, đáp ứng được quan điểm cao nhất là nhằm phát triển, xây dựng được đội ngũ nhà giáo với số lượng đảm bảo về cơ cấu và chất lượng, đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước, xây dựng những thế hệ học sinh đủ năng lực, đủ tầm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

"Với những khó khăn, phức tạp, thách thức, yêu cầu cao trong một quỹ thời gian hết sức eo hẹp, đòi hỏi phải có cách làm hết sức khoa học, trong đó có việc tổ chức những hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/huong-dan-thi-hanh-luat-nha-giao-can-ban-hanh-3-nghi-dinh-12-thong-tu-post1050134.vnp