Hướng đến hình thành trung tâm logistics liên vùng
Miền Trung Việt Nam, với những ưu thế vượt trội về địa lý và hạ tầng, đang dần khẳng định vị thế là trung tâm logistics quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng ấy, cần những giải pháp đột phá về quy hoạch, đầu tư hạ tầng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics.
Lợi thế về địa lý và hạ tầng logistics
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, logistics trở thành một trong những yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ở khu vực miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam đang nổi lên như những địa phương đầy tiềm năng, có thể hình thành nên một trung tâm logistics đa phương thức quy mô lớn, phục vụ cho cả khu vực và vươn ra quốc tế.
Nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, Đà Nẵng giữ vai trò cửa ngõ ra biển cho khu vực Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Thành phố hiện có cảng Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng và hệ thống giao thông đường bộ hiện đại. Cảng Tiên Sa là một trong những cảng biển chủ lực của miền Trung, có thể tiếp nhận tàu container cỡ vừa, là lựa chọn của nhiều hãng tàu hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng có năng lực khai thác hàng chục triệu lượt hành khách và hàng hóa mỗi năm.
Đáng chú ý, Đà Nẵng được Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đặc thù để thành lập Khu thương mại tự do, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư logistics. Thành phố cũng đang triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu nhằm giảm tải cho cảng Tiên Sa và tăng năng lực tiếp nhận tàu biển lớn. Đồng thời, chính quyền địa phương đang xúc tiến kêu gọi đầu tư vào 10 trung tâm logistics cấp vùng, hình thành mạng lưới liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận.
Theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam vào TP. Đà Nẵng sẽ giúp thành phố mở rộng thêm tiềm lực hạ tầng với sự góp mặt của cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai. Đây là tiền đề quan trọng giúp hình thành một hệ sinh thái logistics tích hợp, hiện đại, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics quốc gia, phù hợp với định hướng tại Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quảng Nam, với vị trí địa lý trung tâm miền Trung, cũng khẳng định là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics. Địa phương này có hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không và cảng biển. Khu kinh tế mở Chu Lai, với hàng chục khu, cụm công nghiệp, đang trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu hàng hóa quan trọng. Trong năm 2023, Tập đoàn THACO đã đưa vào khai thác bến cảng 50.000 tấn tại Cảng quốc tế Chu Lai với tổng vốn đầu tư 1.590 tỷ đồng. Công trình này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển trung tâm logistics hiện đại, kết nối trực tiếp Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Campuchia.

Cảng Chu Lai - một trong những cảng biển quan trọng ở khu vực miền Trung
Hợp lực để bứt phá
Quảng Nam đang kêu gọi đầu tư vào các dự án chiến lược như đường sắt đô thị Hội An - Đà Nẵng và Chu Lai - Đà Nẵng. Trong đó, tuyến Hội An - Đà Nẵng không chỉ mở ra kết nối hiện đại giữa 2 trung tâm du lịch mà còn tạo trục phát triển đô thị - logistics liên vùng. Trong khi, tuyến Chu Lai - Đà Nẵng sẽ kết nối trung tâm công nghiệp - hàng không Chu Lai với Đà Nẵng, góp phần hình thành hệ thống giao thông đa phương thức.
Tuy tiềm năng lớn, song cả Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng logistics. Các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1A và 14B vẫn thường xuyên quá tải, ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển và chi phí. Tuyến Quốc lộ 14D nối Lào chưa được đầu tư đồng bộ; sân bay Chu Lai chậm được nâng cấp; cửa khẩu quốc tế Nam Giang thiếu hạ tầng hậu cần, chưa phát triển dịch vụ thương mại biên giới, nguồn điện chưa ổn định. Các yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển logistics tại Quảng Nam. Trong khi đó, công nghệ quản lý chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp logistics tại khu vực vẫn sử dụng phương pháp quản lý truyền thống.
Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty AsiaTrans Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng có đủ 3 loại hình vận tải quốc tế nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Cảng Tiên Sa hiện là cảng container nhưng quy mô còn hạn chế. Cước vận tải biển thì biến động mạnh, gây áp lực lớn đến chi phí của doanh nghiệp… Bởi vậy, chính quyền cần tăng cường vai trò điều phối, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu có chung thị trường để gom hàng thành lô lớn, tạo điều kiện đàm phán chi phí tốt hơn với các hãng vận tải biển.
Sau khi việc hợp nhất được hoàn thành, khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ sở hữu đồng bộ 3 cảng biển quốc tế (Tiên Sa, Chu Lai, Kỳ Hà), 2 sân bay quốc tế (Đà Nẵng và Chu Lai) và 3 loại hình cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường biển, đường không). Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển logistics đa phương thức, hiện đại. Sự kết nối này tạo thành một hành lang logistics liên vùng hoàn chỉnh, nơi hàng hóa có thể di chuyển nhanh chóng từ cảng biển - sân bay - khu công nghiệp đến các thị trường tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt, vùng sáp nhập có thể phát triển chuỗi cung ứng khép kín cho các ngành chủ lực như cơ khí ô tô, dệt may, điện tử, giúp giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư chiến lược trong tương lai.
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc Đà Nẵng và Quảng Nam chủ động xây dựng chiến lược phát triển logistics tích hợp, hiện đại không chỉ là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn là yếu tố quan trọng giúp khu vực miền Trung cất cánh, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.