Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Hiện nay, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang được xem là hướng đi tất yếu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, làm nông nghiệp công nghệ cao còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Tiết kiệm chi phí, nhân công
Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình anh Hứa Minh Chúc ở thôn 4, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng là một trong những minh chứng làm nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Với diện tích 6 sào nhà màng, gia đình anh Chúc trồng 5 loại rau cải và xà lách. Mỗi ngày, hộ anh thu hơn 30kg rau sạch cung cấp cho người dân trong xã. Anh Chúc chia sẻ, trồng rau thủy canh không tốn nhiều công chăm sóc như trồng rau trong đất, có thể làm liên tục, không phải cải tạo lại đất. Sau mỗi lần thu hoạch chỉ cần vệ sinh các máng nước sạch sẽ là có thể trồng mới đợt khác, không làm gián đoạn quá trình sản xuất.
Mỗi loại rau sẽ có chu kỳ phát triển và thời gian thu hoạch khác nhau, nhưng điểm chung của các loại rau trồng trong nhà màng là ít bị sâu bệnh hại. Rau cải từ lúc lên khay đến khi thu hoạch khoảng từ 30-35 ngày, còn rau xà lách có thời gian lâu hơn là 50 ngày. Theo anh Chúc, rau ươm khoảng 15 ngày là có thể tách cho lên giàn để chăm sóc theo quy trình. Hiện gia đình anh tự ươm rau đạt tỷ lệ hơn 90%.
Để cây rau phát triển ổn định thì phải kiểm tra dinh dưỡng mỗi ngày bằng bút kiểm tra. Nếu dinh dưỡng trong nước thấp hoặc không đủ, nhà vườn sẽ chủ động nguồn nước dinh dưỡng cung cấp qua ống thủy canh để nuôi cây. Anh Chúc cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu hơi cao nhưng về lâu dài thì rất hiệu quả. Rau thủy canh có thể làm quanh năm. Mùa mưa rau trồng trong đất thường bị giập, úng nhưng rau thủy canh vẫn phát triển tốt trong nhà màng, giá bán cao hơn”.
Mô hình trồng rau thủy canh sử dụng hệ thống bơm dung dịch thủy canh tự động cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách tuần hoàn. Khi áp dụng mô hình này, chất dinh dưỡng sẽ được ống thủy canh luân chuyển đến từng cây, tạo điều kiện để cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Thời gian qua, mô hình này được nhiều gia đình, hộ kinh doanh nông nghiệp trong tỉnh áp dụng để cung cấp nguồn rau sạch cho người dân.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đoàn Kết Đinh Thị Mỹ Duyên chia sẻ: Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình anh Chúc được chọn là mô hình nông nghiệp công nghệ cao điểm tại địa phương để giới thiệu và nhân rộng cho hội viên phụ nữ trong xã tham quan, học tập kinh nghiệm. Với cách trồng này, cây rau không trực tiếp tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng giá trị bền vững
Năm nay, vườn sầu riêng rộng gần 3 ha của gia đình ông Hứa Văn Công ở thôn 4, xã Đoàn Kết bắt đầu cho thu hoạch và đạt gần 10 tấn. Với giá bán tại vườn từ 80-82 ngàn đồng/kg, gia đình ông Công đã có lời.
Đầu tư 100 triệu đồng làm hệ thống năng lượng mặt trời, gia đình ông Công tiết kiệm được chi phí tiền điện trong quá trình tưới tiêu cho vườn sầu riêng. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư hệ thống nước tưới tự động. Theo đó, mỗi cây sầu riêng sẽ có ít nhất 2 béc tưới. Ngoài cung cấp nước tưới, hệ thống này còn được sử dụng để bón phân định kỳ cho cây. Nói về những lợi ích của KHCN trong sản xuất nông nghiệp, ông Công cho biết: Làm nông nghiệp truyền thống cần 2-3 nhân công để tưới nước, chăm sóc vườn sầu riêng nhưng áp dụng KHCN, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động thì chủ vườn chỉ cần một thao tác là cả vườn sầu riêng được tưới mát.
So với canh tác truyền thống, ông Công nhận thấy sử dụng KHCN có nhiều ưu điểm vượt trội. Chỉ cần có kết nối internet thì chủ vườn có thể chăm sóc vườn bằng cách điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh mà không cần có mặt tại vườn. Sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống tưới tự động giúp gia đình ông Công tiết kiệm tối đa công chăm sóc. Ông Công chia sẻ: Trước đây, gia đình phải mua dầu đổ máy nổ tốn vài triệu đồng/tháng, nhưng có năng lượng mặt trời thì nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thoải mái. Đầu tư một lần có thể sử dụng 10-20 năm.
Từ thực tiễn cho thấy, ứng dụng KHCN vào sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/161156/huong-den-nong-nghiep-cong-nghe-cao