Hướng đi mới cho dân số (*): Nhiều gia đình trẻ ngại sinh con, vì sao?

Dân số Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức với mức sinh xuống thấp chưa từng có trong lịch sử, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nỗi lo già hóa dân số

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 đạt 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người (0,84%) so với năm 2022.

Trong đó, dân số thành thị 38,2 triệu người, chiếm hơn 38%; dân số nông thôn hơn 62 triệu người, chiếm gần 62%. Dân số nước ta sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100.

Mức sinh thấp nhất trong lịch sử

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng tỉ suất sinh năm 2023 Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm 2022 (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con.

Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Mức sinh của TP HCM là 1,27 con/phụ nữ, thấp nhất nước.

Về vấn đề này, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết liên tiếp những năm gần đây, mức sinh tại TP HCM có xu hướng giảm.

"Mức sinh hiện nay không đạt mức sinh thay thế. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 11-2023, dân số trên 60 tuổi tại TP HCM là hơn 1,3 triệu người (chiếm 12,24% tổng số dân). Tốc độ già hóa dân số của TP HCM rất nhanh" - ông Phạm Chánh Trung nhấn mạnh.

Còn theo thông tin của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế TP Cần Thơ), năm 2022, dân số của thành phố là 1.291.242 người, chỉ tăng 34.309 người so với năm 2016. Cần Thơ là một trong những tỉnh, thành có mức sinh thấp, năm 2023 ở mức 1,44 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số.

GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân) lo ngại nếu mức sinh tiếp tục xuống thấp, Việt Nam nhanh chóng đối mặt với "hội chứng 4-2-1" giống như Trung Quốc hiện nay, tức cứ 4 người già (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu.

Gánh nặng chăm sóc, nuôi dưỡng người già (người phụ thuộc) sẽ đè nặng lên giới trẻ nếu chúng ta không làm tốt vấn đề an sinh xã hội.

Việc khuyến sinh cần một chuỗi giải pháp đồng bộ, giúp giới trẻ hoàn toàn thoải mái khi sinh con. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Việc khuyến sinh cần một chuỗi giải pháp đồng bộ, giúp giới trẻ hoàn toàn thoải mái khi sinh con. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lười kết hôn và ngại sinh

GS-TS Hoàng Bá Thịnh, chuyên gia nghiên cứu gia đình và giới cho biết có rất nhiều lý do để phụ nữ lười sinh con.

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh 1 con, chưa kể không ít thanh niên không muốn lập gia đình. Độ tuổi kết hôn muộn thì chất lượng dân số tương lai cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí dẫn đến vô sinh thứ phát, nhiều người lại phải thêm gánh nặng "kiếm tiền để sinh con" rồi lại "kiếm tiền nuôi con". Xu hướng phụ nữ lười kết hôn, nam giới muộn lấy vợ thì việc đẻ 2-3 con càng là sự xa vời.

Nhiều chuyên gia dân số cho rằng xu hướng lười đẻ sẽ ngày càng lan rộng và khó có thể ngăn chặn, càng khó để khuyến sinh trở lại, cho dù có bỏ chính sách về quy định số con.

Nguyên nhân lười sinh con có nhiều nhưng gánh nặng lớn nhất chính là áp lực của cuộc sống. Giới trẻ có nhu cầu phát triển cá nhân hoặc buộc phải phấn đấu để có được thu nhập đủ sống.

Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt trong xã hội, chi phí nuôi dạy con cũng ngày càng cao. Sự thay đổi xã hội này cũng đã ảnh hưởng đến khái niệm "trẻ cậy cha, già cậy con".

Giờ đây, ngày càng có nhiều người trẻ bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu và tích lũy tài sản thông qua nỗ lực của chính mình. Họ không thấy vui vẻ, sung sướng khi sinh con, không sợ bị bố mẹ thúc giục, xã hội đánh giá.

"Việc khuyến khích các cặp vợ chồng đã có 1 con sinh thêm con thứ 2 hiện nay gặp nhiều thách thức hơn so với việc vận động họ không sinh con thứ 3 ở thời điểm trước.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những lo ngại về tình hình kinh tế và áp lực cuộc sống hiện đại. Nhiều gia đình e ngại việc có thêm con sẽ gây áp lực tài chính đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và giáo dục ngày càng tăng.

Đối với công nhân, nỗi lo mất việc làm khi sinh con là rất lớn. Hơn nữa, xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục cũng khiến nhiều cặp vợ chồng cân nhắc kỹ về khả năng bảo đảm chất lượng học tập cho con trong điều kiện kinh tế hạn chế" - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, phân tích.

Theo một chuyên gia xã hội học, Chính phủ chưa có chính sách nào hiệu quả để khuyến khích và hỗ trợ việc chăm sóc trẻ, giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cho phụ nữ. Việc khuyến sinh không chỉ là thả nổi số con cho các cặp vợ chồng tự quyết định mà cần một chuỗi giải pháp đồng bộ, giúp giới trẻ hoàn toàn thoải mái khi sinh con.

Thu nhập không đáp ứng nhu cầu

Tháng 8-2023, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tiến hành khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP HCM với khoảng 3.000 người lao động tham gia.

Kết quả cho thấy có đến 75,5% người trả lời thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Chỉ có 8,1% người có tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người và quyết định sinh con của 72,0% người. Có 17,6% người không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% người chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi...

Lý giải của người trẻ

Có 1 con trai 3 tuổi, vợ chồng chị Lê Thị Tuyết Mai (30 tuổi; ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đang phân vân trong việc sinh thêm con thứ 2.

"Cả hai đều làm công nhân (CN), nếu cùng tăng ca thì mỗi tháng tổng thu nhập từ 12-14 triệu đồng, trừ tiền nhà, ăn uống, chi phí đi lại, tiền nhà trẻ cho con, chưa kể lúc con ốm đau, mỗi tháng chỉ dư 2-3 triệu đồng. Nếu sinh thêm con thứ 2, không biết nuôi nổi không vì lúc đó sức khỏe tôi cũng xuống, làm việc không đạt năng suất như trước thì thu nhập cũng giảm" - chị Mai lo lắng.

Năm rồi, vợ chồng chị Nguyễn Trang Minh (32 tuổi, ngụ quận 7) đắn đo trong việc đưa con gái vào TP HCM hay để sống với bà nội ở Bình Thuận.

Chị Trang và chồng làm chung công ty da giày, thường xuyên tăng ca. Từ lúc con chào đời đến nay 7 tuổi được gửi bà nội. Gần đây, sức khỏe bà yếu. Đưa con vào thành phố, chị Trang phải xin làm ở siêu thị để có thời gian chăm con.

"Hiện gia đình tôi sum họp nhưng áp lực lại tăng. Thu nhập thấp hơn, con học ở thành phố chi phí nhiều hơn, chưa kể vì chưa quen môi trường mới nên hay bệnh. Vợ chồng tôi không dám nghĩ đến chuyện sinh thêm đứa thứ 2" - chị Trang nói.

Thu nhập thấp cũng là lý do khiến vợ chồng chị Huỳnh Thu Ngân, CN Công ty TNHH Gonze (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) chưa dám tính đến chuyện có con.

Tiền lương chị Ngân hơn 6 triệu đồng/tháng, chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Chỉ riêng khoản nhà trọ, điện, nước đã mất hơn 2 triệu đồng/tháng.

"Gia đình nhiều lần thúc giục có con nhưng lương không đủ sống, làm sao lo nổi cho con" - chị Ngân thở dài.

Quen nhau hơn 6 năm, anh Nhật Thuận (32 tuổi, đang làm việc tại quận 1, TP HCM) và bạn gái vẫn chưa muốn kết hôn.

"Gia đình ngỏ ý sẽ hỗ trợ sau khi cưới nhưng tôi nghĩ chủ yếu vẫn là hai chúng tôi tự tạo dựng. Chưa kể công việc trong môi trường nhà nước rất cần thời gian ban đầu để học hỏi, tạo dựng sự nghiệp"- anh Thuận nói về lý do chưa kết hôn.

Là chuyên viên tuyển dụng cho một tập đoàn bất động sản tại quận 3 (TP HCM), hiện chị Nguyễn Thị Hoài Anh (28 tuổi) lựa chọn cuộc sống độc thân vì thích tự do.

Đối với chị Anh, hôn nhân chưa là lựa chọn cần thiết trong kế hoạch cuộc sống lúc này.

“Trước đây, tôi cũng từng hẹn hò nhưng chỉ được một thời gian là cảm thấy ngột ngạt. Tôi có nhóm bạn độc thân dự định sẽ không kết hôn.

Những lúc không vui, chỉ cần một tin nhắn là cả nhóm cùng tụ tập. Quan điểm của chúng tôi là tự do tự tại, muốn đi đâu thì đi mà không cần xin phép" - chị Anh nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-7

Nhóm Phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-di-moi-cho-dan-so-nhieu-gia-dinh-tre-ngai-sinh-con-vi-sao-196240715193018088.htm