Mối đe dọa chính đối với an ninh lương thực

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những thách thức về an ninh lương thực ngày càng trở nên trầm trọng hơn do thiên tai tàn phá cây trồng và cơ sở hạ tầng.

Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở tỉnh Hyderabad, Pakistan, ngày 1/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở tỉnh Hyderabad, Pakistan, ngày 1/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới đây đã lên tiếng kêu gọi cách tiếp cận toàn diện và hành động khẩn cấp để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực, khi các vấn đề phức tạp này ảnh hưởng đến cả khu vực lẫn toàn cầu.

Tờ Antara News dẫn tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng An ninh Lương thực APEC lần thứ 9 (FSMM) tại Trujillo, Peru ngày 20/8 nhấn mạnh, với những tác động đan xen của biến đổi khí hậu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bất bình đẳng kinh tế, sự ổn định của hệ thống thực phẩm ngày càng gặp nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông nghiệp và Thủy lợi Peru, Ángel Manero Campos nói rằng an ninh lương thực không chỉ là vấn đề số lượng mà còn là chất lượng, bao gồm sự sẵn có, khả năng tiếp cận và sử dụng thực phẩm. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện có tính đến các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội.

Trên toàn cầu, biến đổi khí hậu đang nổi lên như một mối đe dọa chính đối với an ninh lương thực. Hơn nữa, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, vốn trầm trọng hơn do các đại dịch gần đây, đang gây ra tình trạng thiếu lương thực và đẩy giá lên cao.

Dân số toàn cầu ngày càng tăng đang thúc đẩy nhu cầu về lương thực, gây thêm căng thẳng cho các nguồn tài nguyên vốn đã cạn kiệt. Bất bình đẳng kinh tế vẫn là một rào cản đáng kể, khiến hàng triệu người không thể mua đủ lương thực.

Ông Manero cho biết, đại dịch COVID-19 đã phơi bày lỗ hổng trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp toàn cầu và sự cần thiết của các hoạt động nông nghiệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, an ninh lương thực cũng nhắc nhở sự cần thiết phải củng cố sự kết nối của cộng đồng toàn cầu.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những thách thức về an ninh lương thực càng trở nên trầm trọng hơn do thiên tai tàn phá cây trồng và cơ sở hạ tầng. Sự chênh lệch về kinh tế dẫn đến khả năng tiếp cận và khả năng chi trả lương thực không đồng đều, trong khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến mất đất nông nghiệp có giá trị. Theo ông Manero, khu vực này với cảnh quan đa dạng và di sản nông nghiệp phong phú, có cơ hội đặc biệt để dẫn đầu trong việc thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững và đảm bảo mọi cá nhân đều có quyền tiếp cận thực phẩm đủ dinh dưỡng và đầy đủ.

Ông Manero nhấn mạnh, sự phức tạp của an ninh lương thực đòi hỏi phải có những hành động phối hợp chung ở cấp khu vực và toàn cầu. Một trong những lĩnh vực quan trọng mà các nước phải tập trung nỗ lực là cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để hòa nhập và trao quyền cho nông dân sản xuất nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phụ nữ, thanh niên, người bản địa và các nhóm khác có tiềm năng kinh tế chưa được khai thác.

Ông Manero cũng kêu gọi các thành viên APEC tiếp tục ưu tiên thực hành nông nghiệp bền vững, nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với nông nghiệp và các nước phải thực hiện các biện pháp chủ động để giảm thiểu tác động của nó. Các biện pháp này bao gồm thúc đẩy các hoạt động sinh thái nông nghiệp, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy các hoạt động quản lý đất và nước bền vững. Hợp tác khu vực cũng là cần thiết để giải quyết các thách thức an ninh lương thực.

Theo ông Manero, bằng cách hợp tác cùng nhau, các nước có thể phát triển dự trữ lương thực trong khu vực, tăng cường thuận lợi hóa thương mại và đảm bảo dòng sản phẩm nông nghiệp xuyên biên giới hiệu quả. Các nước cũng có thể tận dụng công nghệ kỹ thuật số để cải thiện năng suất nông nghiệp, nâng cao tính minh bạch của thị trường và giảm thất thoát và lãng phí lương thực.

Ông Manero tái khẳng định cam kết của APEC trong việc đạt được Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040, bao gồm cả việc thực hiện Kế hoạch hành động Aotearoa. Mục đích của kế hoạch gồm đảm bảo an ninh lương thực lâu dài, an toàn thực phẩm và cải thiện dinh dưỡng cho người dân, cũng như giảm thất thoát và lãng phí lương thực trong khu vực bằng cách thúc đẩy thương mại nông nghiệp và thực phẩm, nâng cao tính bền vững và đổi mới, đồng thời đẩy mạnh nền nông nghiệp xanh và ít phát thải.

Văn Phong (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/moi-de-doa-chinh-doi-voi-an-ninh-luong-thuc/344363.html