Hướng Hóa truyền dạy nghệ thuật trình diễn cồng chiêng dân tộc Vân Kiều, Pa Kô
Các nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã trực tiếp truyền dạy cho 370 học viên về nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của dân tộc mình…
Từ ngày 25/7-6/8, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn cồng chiêng của đồng bào DTTS cho khoảng 370 học viên là thành viên các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của các thôn, bản thuộc các xã: Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Lìa, Xy và Ba Tầng.
Trong thời gian tham gia lớp học, các học viên được truyền đạt khái quát về văn hóa cồng chiêng trong đời sống của người Vân Kiều, Pa Kô; các loại nhạc cụ truyền thống, không gian truyền thống biểu diễn cồng chiêng…
Các nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô trực tiếp truyền dạy cho học viên về nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng như: cách xướng âm, hòa nhịp, bố trí đội hình, các điệu múa… để có thể thực hành bài biểu diễn cồng chiêng trọn vẹn và đặc sắc.
Thông qua các lớp truyền dạy nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số về việc bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng biểu diễn cồng chiêng cũng như những loại nhạc cụ, điệu múa truyền thống phục vụ biểu diễn cồng chiêng; tạo môi trường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống.
Qua đó, từng bước khôi phục và hạn chế sự mai một của nghệ thuật trình diễn cồng chiêng trong cộng đồng người DTTS, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.
Được biết, năm 2022, huyện Hướng Hóa đã tổ chức được 4 lớp tập huấn cồng chiêng cho 291 học viên của 97 thôn, bản vùng đồng bào DTTS, trong đó có 3 lớp dành cho đồng bào Vân Kiều và 1 lớp dành cho đồng bào Pa Kô.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn, theo kế hoạch của huyện Hướng Hóa, phấn đấu đến năm 2025 sẽ phục dựng lại lễ hội, thành lập các câu lạc bộ, tổ chức dạy nghề truyền thống...
Cụ thể, đến năm 2025, mỗi năm địa phương sẽ tổ chức phục dựng ít nhất 1 lễ hội tiêu biểu của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Ngoài ra, huyện cũng phấn đấu thành lập ít nhất 5 câu lạc bộ Cồng chiêng biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô; tổ chức dạy nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm men lá, đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống; tổ chức 1 - 2 lớp học ngôn ngữ dân tộc Vân Kiều, Pa Kô/năm; xây dựng các thước phim, các mô hình du lịch cộng đồng để vừa phát huy được các giá trị văn hóa của các dân tộc vừa kết hợp phát triển du lịch.