Hương mía
Những năm 80 của thế kỷ trước ở quê tôi, khi tháng Giêng về thường diễn ra một hoạt động mà đứa trẻ nào cũng đều rất háo hức đợi mong, đó là hợp tác xã tổ chức ép mía cho bà con nông dân. Lúc này, đám trẻ con chúng tôi thường được bố mẹ nhờ phụ giúp trông mía.
Chúng tôi thường rủ nhau nằm trên những ụ mía cao ngút, được ăn mía thỏa thích và hít hà mùi hương ngọt lịm. Cái mùi hương ấy đã theo chân những người con xa xứ, quyện chặt vào ký ức, len vào nỗi nhớ quê nhà, để đến mấy mươi năm sau, vẫn còn nhớ như in.
Ngày ấy, quê tôi trồng rất nhiều mía. Mía được trồng trong vườn, trên các bãi bồi ven sông, trên các triền đồi. Trên những cánh đồng bạt ngàn màu xanh, những cây mía thẳng đều tăm tắp, vươn cao đầy sức sống.
Tháng Giêng vào mùa thu hoạch mía. Mía được chặt sạch phần gốc và ngọn, phần ngọn non được dùng để làm giống cho vụ sau. Sau khi thu hoạch, bà con nông dân tập kết mía ở một bãi đất rộng do hợp tác xã chuẩn bị sẵn. Và, ngày hội ép mía bắt đầu.
Tôi nhớ vào những đêm trăng tháng Giêng đó, người người í ới gọi nhau, gần như cả làng tập trung ở một bãi đất rộng, ai ai cũng rộn ràng, mỗi người mỗi việc.
Mía của gia đình nào cũng được chất thành từng khối vuông vắn xung quanh khu vực trung tâm. Ở chính giữa là nơi đặt che ép mía và lò nấu đường. Che ép mía là 3 khối gỗ lớn hình trụ, được quay ép vào nhau bởi 2 con trâu to lực lưỡng đi vòng quanh để kéo quay.
Nước mía được hứng vào những cái thùng lớn, chuẩn bị cho công đoạn nấu đường. Lò nấu đường là một cái bếp khổng lồ được xây ngầm từ dưới lòng đất, bên trên đặt những chiếc chảo gang có đường kính cỡ hơn 1 m, thường thì lò có 3 chiếc chảo gang trên đó nước đường luôn sôi sùng sục.
Những thanh củi gộc lớn được ném vào lò, ánh lửa sáng rực cả một vùng. Khi nấu, nước đường sẽ dần dần chuyển sang màu vàng óng ánh, thơm nức.
Đường sau khi nấu tới, dẻo sền sệt, lóng lánh như hổ phách thì được đổ vào những chiếc chum sành có hình dáng rất đặc biệt, giống như hình tam giác ngược. Ở quê tôi lúc ấy gọi là cái muỗng đường.

Minh họa: HUYỀN TRANG
Mùi hương của nước mía đường khi nấu thật đặc biệt. Hương bay ngào ngạt khắp vùng, thơm ngây ngất, như quyện vào không khí mát dịu của những ngày đầu xuân. Mùi hương của đường non thanh mát, ngọt dìu dịu, ngan ngát tỏa đi khắp nơi.
Mỗi gia đình sau mùa thu hoạch mía có khoảng 4-5 muỗng đường. Nhà tôi cũng vậy. Muỗng đường được đặt cẩn thận trong góc nhà, là tài sản của gia đình. Mỗi muỗng đường có đường kính miệng gần nửa mét, phần đáy nhỏ để nước mật đường chảy ra.
Đường non lúc mới nấu xong được múc từ chảo gang đổ vào muỗng và nút chặt phần đáy muỗng bằng lá chuối khô. Một thời gian sau, đường sẽ đông kết và rút mật, những lớp đường bên trên sẽ trắng dần lên.
Những muỗng đường được ba má tôi giữ cẩn thận, là của để dành. Mật đường được má tôi cẩn thận hứng vào những cái chum sành nhỏ cất đi, dành để nấu chè đậu ăn trong ngày hè oi ả.
Quê tôi lúc đó, người dân quần quật với ruộng đồng nhưng cuộc sống không mấy dư dả. Với gia đình tôi, cây mía trong vườn đã nuôi lớn anh chị em tôi, cùng vun đắp cho những ước mơ bay xa của những đứa trẻ ở vùng quê nghèo.
Hương mía cùng với tuổi thơ của tôi trong những ngày xưa êm đềm đầy tiếng cười của anh chị, của ba má là hành trang để tôi bước vào đời.
Tôi lớn lên cùng với những đổi thay của quê hương. Quê tôi giờ đây không còn những lò nấu đường tỏa hương thơm ngát, không còn mùi hương mía, mùi hương thấm đẫm nỗi nhọc nhằn một nắng hai sương của người dân quê. Nhưng ký ức tuổi thơ về những ngày cùng nhau thu hoạch mía, nếm đường non ngọt dịu vẫn còn giữ mãi.
Mỗi lần về thăm quê, ghé hàng nước mía, khi nghe mùi hương mía thì những hình ảnh xưa cứ ùa về trong tim.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/huong-mia-post312209.html