Hướng nghiệp cho học sinh

Sau thời gian nghỉ học do dịch bệnh Covid-19, các trường THCS đã ổn định tổ chức, duy trì nền nếp, đồng thời triển khai các giải pháp củng cố kiến thức, kiểm tra đánh giá phù hợp cho học sinh. Với khối lớp 9, việc học đang diễn ra song song giữa kiến thức mới, ôn tập nội dung cũ và tổ chức hướng nghiệp, đảm bảo cho các em sẵn sàng bước tiếp lên lớp 10 THPT.

Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh

Hệ thống kiến thức

Thực hiện chủ trương tinh giản nội dung giảng dạy sau khi nghỉ dịch bệnh trở lại trường, giáo viên đều đồng tình cho rằng, chương trình giảm tải rất cần thiết, đúng mục tiêu đề ra, rút ngắn thời gian học từ 5-7 tuần. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giữ lại những kiến thức cốt lõi, cô đọng, trong khi bài thi và bài kiểm tra không đòi hỏi nhiều kiến thức mà theo tinh thần “học gì, thi đó”. Được giảm áp lực, giáo viên và học sinh tập trung học song song trên lớp và hình thức trực tuyến.

Từng bộ môn thông qua hình thức kiểm tra kiến thức đã phân hóa đối tượng học để giáo viên có biện pháp giảng dạy, kèm cặp phù hợp, đảm bảo hoàn thành chương trình vào ngày 15-7 theo dự kiến. Riêng những học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhà trường có phương án cho ôn tập trực tiếp trên lớp, tăng thời lượng giảng dạy chứ không tăng buổi học.

Tại Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Châu Đốc, An Giang) có 60% học sinh lớp 9 đăng ký thi vào Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa. Theo Hiệu trưởng Hoàng Lệ Quyên, giáo viên các tổ bộ môn đã xây dựng lại kế hoạch giảng dạy, dù tinh giản nhưng vẫn đảm bảo kiến thức trọng tâm cho học sinh. Đặc biệt với khối 9, phần ôn tập được giáo viên chú trọng những nội dung thường gặp trong đề thi và nâng dần mức độ khó.

Nhà trường chủ trương giảm tải nội dung chương trình phù hợp tình hình thực tế của đơn vị, nhưng vẫn đảm bảo được kiến thức trọng tâm, giúp các em tham gia tốt kỳ thi tuyển vào trường chuyên và có khả năng tiếp tục học lên những lớp cao hơn. Các tổ chuyên môn được chỉ đạo dành thời gian nhất định trên lớp để ôn tập giúp học sinh hệ thống lại kiến thức khó.

Đồng thời, rà soát, phân loại đối tượng học sinh để phụ đạo, bồi dưỡng, kết hợp nhiều hình thức kiểm tra linh hoạt phù hợp, vừa sức, không quá dồn dập gây áp lực cho các em. Cách làm của nhà trường được trao đổi và nhận được sự đồng tình từ phụ huynh khá tích cực.

Quan tâm hướng nghiệp

Thời điểm này, nhiều trường THCS đã hoàn thiện công tác hướng nghiệp, tư vấn, phân luồng học sinh cuối cấp. Thầy Trương Minh Khang (Trường THCS Tân Hòa, Phú Tân, An Giang) cho biết, so với mọi năm, ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm nay diễn ra khá muộn. Vì vậy, trường đã chuẩn bị rất chu đáo nội dung, chắt lọc để tư vấn cho các em những điều cần thiết nhất. Với những trường THPT trên địa bàn, giáo viên phân tích, định hướng để học sinh tự “cân đo” thực lực của mình mà lựa chọn vừa sức. Còn những em thấy bản thân không đủ khả năng học tiếp thì được khuyên nên học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện hoặc các trường nghề trên địa bàn tỉnh.

Em Hồ Nhựt Sang, lớp 9A2 chia sẻ, sau buổi hướng nghiệp được giáo viên tư vấn rất kỹ, mọi thắc mắc của em đều được giải thích tận tường. Ở khối cuối cấp, điều các em quan tâm nhất là chọn trường hay học nghề. Giáo viên đã định hướng điều này khá rõ, trong đó nhấn mạnh việc học tập để có kiến thức rất quan trọng, bởi chỉ có học mới có cơ hội tìm được nghề nghiệp ổn định. Học sinh chủ động những hiểu biết về nghề nghiệp, hướng đi tương lai càng sớm sẽ càng có động lực học tập và phấn đấu tốt hơn.

Việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh đang được hầu hết các trường tổ chức trong tháng 6. Bên cạnh sự phối hợp của Xã đoàn, Tổng phụ trách đội, nhà trường, còn có một số đơn vị trường nghề chủ động kết nối để giới thiệu, tư vấn cho học sinh. Điển hình như huyện Châu Phú có Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang đóng trên địa bàn, là lựa chọn thuận lợi nếu học sinh muốn phát triển nghề sớm mà vẫn có trình độ đào tạo bài bản, chuyên môn.

Trường đã đến các đơn vị trường THCS thuộc xã Vĩnh Thạnh Trung, Mỹ Đức (Châu Phú) tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Các em được tư vấn và tự đánh giá sở thích, lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân. Đồng thời, tư vấn tuyển sinh trung cấp năm 2020 với các ngành nghề: trồng trọt, bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản, kế toán, tin học, công nghệ kỹ thuật chế biến, kỹ thuật máy nông nghiệp...

Trường còn cho học sinh tham gia làm trắc nghiệm “Sở thích của tôi” do Tổng Cục Dạy nghề biên soạn nhằm hiểu rõ hơn về sở thích, năng lực cá nhân. Với những nỗ lực trong giai đoạn tăng tốc, các trường học hy vọng sẽ giúp học sinh vững tâm vượt qua năm học cuối cấp THCS cùng những lựa chọn phù hợp.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/huong-nghiep-cho-hoc-sinh-a275533.html