Đăng kiểm viên học kỹ năng giao tiếp, nâng cao văn hóa ứng xử
Chiều 22/4, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp và đạo đức nghề nghiệp trong công tác đăng kiểm.
Thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiểm tra, giám sát
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành đăng kiểm là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Trong đó, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp là một nội dung quan trọng được coi là nền tảng xây dựng hình ảnh một ngành đăng kiểm chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đăng kiểm viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành đăng kiểm.
Thực hiện mục tiêu trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Học viện Chiến lược bồi dưỡng cán bộ (Bộ Xây dựng) xây dựng bộ tài liệu và tổ chức lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức, đăng kiểm viên, nhân viên, người lao động đang làm công tác đăng kiểm trên toàn quốc.
TS Nguyễn Kim Dung, Học viện Chiến lược bồi dưỡng cán bộ xây dựng cho biết, ứng xử văn hóa trong hoạt động đăng kiểm rõ ràng, minh bạch với thái độ phục vụ chuyên nghiệp sẽ góp phầnnâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Làm tốt việc này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu; giúp xây dựng hình ảnh và uy tín ngành đăng kiểm.

TS Nguyễn Kim Dung, Học viện Chiến lược bồi dưỡng cán bộ xây dựng trao đổi về văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp trong hoạt động đăng kiểm.
Theo TS Trần Thị Bích Ngọc, thời gian qua, đã có những vụ việc tiêu cực liên quan đến đăng kiểm bị phát hiện và xử lý.
Nguyên nhân có thể do một bộ phận đăng kiểm viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp và các chuẩn mực cần tuân thủ.
Một nguyên nhân khác là do áp lực về chỉ tiêu công việc và thời gian kiểm định trong khi mức lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng với trách nhiệm và áp lực công việc.
Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đăng kiểm đôi khi chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc khó phát hiện và xử lý các vi phạm.
Bàn giải pháp để nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong công tác đăng kiểm và phòng chống tham nhũng, TS Ngọc cho rằng cần xây dựng và yêu cầu thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, cần chú trọng cải thiện chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc cho đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ; Tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát hoạt động đăng kiểm, phản ánh thông qua đường dây nóng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi các quy định bất cập để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, phù hợp thực tiễn.

Mỗi cơ sở đăng kiểm cần chủ động quản lý, giám sát hoạt động cũng như phổ biến, giáo dục quy định pháp luật đối với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ngăn tiêu cực (ảnh minh họa).
Ngăn đăng kiểm viên làm ẩu ngay từ cơ sở
Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Hoan, Phó giám đốc phụ trách cơ sở đăng kiểm (CSĐK) 29-03V (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, đơn vị thường xuyên tổ chức họp chi bộ, phổ biến quy định pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm đối với toàn thể đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ; quán triệt thái độ ứng xử đúng mực với khách hàng.
Thay vì ngồi tại phòng lãnh đạo để quan sát qua màn hình camera, ông Hoan chọn ngồi làm việc ngay tại phòng nghiệp vụ và khu vực dây chuyền kiểm định để giám sát trực tiếp hoạt động của đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ.
"Nhờ quản lý sát sao, tôi kịp thời chấn chỉnh, xử lý nhân viên khi có hành vi làm khó khách hàng; đồng thời, hướng dẫn đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ giải thích cặn kẽ với khách hàng những trường hợp bị từ chối đăng kiểm. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu tại cơ sở đăng kiểm", ông Hoan nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc cơ sở đăng kiểm 2927D (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) cho biết, là đơn vị đăng kiểm tư nhân nên trung tâm luôn quán triệt cán bộ, nhân viên phải có thái độ phục vụ chuẩn mực, niềm nở với khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực đăng kiểm, trên tinh thần tuân thủ quy định pháp luật.
Trong bối cảnh các cơ sở đăng kiểm gặp khó khăn về tài chính khi giá dịch vụ kiểm định nhiều năm chưa thay đổi, lượng xe đăng kiểm sụt giảm ảnh hưởng đến thu nhập của đăng kiểm viên trong khi trách nhiệm, áp lực công việc lớn. Điều này có thể dẫn đến một số tình huống đăng kiểm viên có những lời nói, ứng xử chưa chuẩn mực khi giao tiếp với khách hàng, chưa giải thích kỹ càng với người dân các trường hợp bị từ chối đăng kiểm, gây ra xung đột không đáng có.
"Lúc này, trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở đăng kiểm phải là người đứng ra kịp thời trao đổi với khách hàng, giải thích và hướng dẫn chi tiết cách khắc phục lỗi hư hỏng, tránh để xung đột leo thang. Đối với đăng kiểm viên, sau khi kết thúc ca làm việc cần trao đổi, một mặt động viên tinh thần, mặt khác hướng dẫn, nhắc nhở để họ rút kinh nghiệm, xử lý tốt hơn trong những tình huống tương tự có thể xảy ra", ông Dũng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc cơ sở đăng kiểm 290-8D (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, nghề đăng kiểm giống như làm dâu trăm họ, không ít trường hợp khách hàng bị trượt đăng kiểm có thái độ không đúng mực với đăng kiểm viên, thậm chí, dù được giải thích rõ ràng, chi tiết theo quy định nhưng vẫn có khách hàng phản ánh, khiếu nại với Cục Đăng kiểm Việt Nam.
"Tuy nhiên, đơn vị luôn quán triệt đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ không thể vì sợ khiếu nại, sợ phật ý khách hàng mà bỏ qua quy định trong kiểm tra xe, mục tiêu quan trọng là đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng phương tiện. Đây cũng chính là cách để tự bảo vệ chính mình", ông Sinh chia sẻ.
Theo các cơ sở đăng kiểm, những phản ánh mới đây về các đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần kiểm tra, xác minh làm rõ. Đối với các trường hợp thực sự sai phạm cần xử lý nghiêm, song nếu phản ánh chưa đúng cũng cần thông tin để đảm bảo công bằng, minh bạch, khách quan và đảm bảo uy tín của đăng kiểm viên, cơ sở đăng kiểm.