Hướng ra nào cho môn lịch sử?: Học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc
Học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ, sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai
Chương trình giáo dục phổ thông mới gây chú ý nhiều trong thời gian qua về môn lịch sử. Theo đó, ở cấp THCS, học sinh (HS) sẽ học môn lịch sử bắt buộc và sẽ được trang bị kiến thức cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến hiện đại. Riêng về lịch sử Việt Nam, chương trình bảo đảm HS được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Cần cung cấp kiến thức nền cơ bản
Chỉ nói riêng về lịch sử Việt Nam, ngay cả đối với người lớn, để hiểu toàn diện và đầy đủ là chuyện rất khó, huống chi là lứa tuổi của các em bậc THCS. Với những "tham vọng" như trên, liệu chương trình càng thêm nặng không, lứa tuổi 11-14 có thể tư duy như người lớn được không?
Còn ở bậc THPT, chương trình mới bố trí môn lịch sử nằm trong tổ hợp xã hội và thuộc môn tự chọn. Ở bậc này, nếu HS chọn học môn lịch sử, thì sẽ được học theo các chuyên đề có nội dung chuyên sâu, giúp HS hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản đã được học ở cấp THCS. Trên thực tế, việc học chuyên sâu các vấn đề lịch sử thì phải ở tầm sinh viên chuyên ngành lịch sử. Ở lứa tuổi THPT, sự chín chắn trong suy nghĩ chưa đạt tới, kiến thức nền chưa đủ, bắt các em phải "chuyên sâu" lịch sử, như vậy có phải thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn chăng?
Vậy nên, ở bậc phổ thông, HS cần được cung cấp những kiến thức nền cơ bản nhất để sau bậc phổ thông, các em sẽ bước vào chuyên sâu ở những chuyên ngành khác nhau. Đối với môn lịch sử cũng vậy, các em cần được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử Việt Nam. Từ cấp 1, có thể cho các em tiếp cận lịch sử Việt Nam thông qua những câu chuyện đơn giản về các nhân vật lịch sử (như kể chuyện đời xưa vậy). Từ lớp 6 đến 12, có thể bố trí môn lịch sử trải dài một cách có hệ thống, đơn giản, dễ hiểu, để mỗi năm HS sẽ được học một giai đoạn của lịch sử dân tộc. Rồi ở bậc đại học, bất kỳ chuyên ngành nào, ở năm đầu cũng nên có môn đại cương lịch sử Việt Nam. Bởi khi bước vào đại học, các em bước vào lứa tuổi trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ, các em sẽ tiếp cận lịch sử với một tâm thế hoàn toàn khác, được giúp xâu chuỗi lại toàn bộ lịch sử dân tộc một cách có bài bản, hệ thống.
Gió càng mạnh, gốc phải càng sâu
Môn lịch sử thuộc về môn học không cho thấy kết quả rõ ràng ngay lập tức, mà cần có thời gian và sẽ cho kết quả một cách không ồn ào. Chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, hiểu vì sao mình lại như thế trong hiện tại, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ mà sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai. Lịch sử dân tộc góp phần xây dựng tinh thần dân tộc, dạy cho chúng ta biết yêu nước non, thương giống nòi. Lịch sử dân tộc giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một nước - một sự phát triển có tiếp nối chứ không phải một sự phát triển bỏ gốc bỏ nguồn.
Làn sóng toàn cầu hóa trên thế giới ngày càng mạnh. Ở thời đại số, ranh giới của các nền văn hóa bỗng trở nên vô cùng mong manh. Trong bối cảnh đó, việc giữ gìn bản sắc của mỗi dân tộc trở nên vô cùng cấp thiết. Chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng bản sắc của một dân tộc được hình thành không phải một ngày một bữa, mà phải được tích lũy theo dòng chảy của lịch sử dân tộc. Bởi thế mà học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc.
Cũng có lập luận cho rằng dù là môn tự chọn nhưng nếu HS thấy có ích thì sẽ chọn để học. Nhìn vào thực tế, ai cũng thấy lâu nay môn lịch sử là môn mà HS ít mặn mà. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước, tình hình tuổi trẻ và lịch sử dân tộc cũng không có gì khả quan. Thế nhưng, nếu cách dạy, giáo trình môn lịch sử còn chưa thu hút được tuổi trẻ thì chúng ta cải cách, đổi mới cách dạy cách học, không thể để những công dân của đất nước mờ mịt lịch sử dân tộc.
Cũng có ý kiến cho rằng chương trình mới là theo đúng xu thế quốc tế. Xin khẳng định ý kiến này không đúng bởi bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa hiện là xu thế chung của nhân loại. Thực tế đã cho thấy những nước nghèo, kinh tế kém phát triển, khi mở cửa làm ăn với thế giới, đã phải đối mặt với sự tấn công ào ạt của các yếu tố văn hóa ngoại lai và phải khổ sở bảo tồn bản sắc dân tộc. Câu chuyện "sức mạnh mềm" đã trở nên quá quen thuộc trong thế giới hiện tại. Như vậy, nếu các quốc gia có nền kinh tế mạnh chú ý đến lịch sử dân tộc chỉ 1, thì những nước có nền kinh tế yếu hơn phải quan tâm đến lịch sử dân tộc đến 10. Khi cơn gió toàn cầu hóa càng mạnh thì cái gốc dân tộc phải càng sâu và chắc..
Xếp một môn học thuộc dạng bắt buộc, ngoài những cái khác, nó còn cho thấy vị trí quan trọng của môn học đó trong hệ thống giáo dục của một nước và tư duy giáo dục của một quốc gia.