Hướng tín dụng vào các ngành hàng có triển vọng tốt

Với mục tiêu đưa thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, chuyên gia cho rằng, nên hướng dòng vốn tín dụng vào các ngành hàng có triển vọng tốt như nông, lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu,… Trong đó, chỉ số xuất khẩu có thể tác động nhiều tới tăng trưởng kinh tế cũng như tín dụng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Như vậy, toàn hệ thống trong 4 tháng còn lại của năm có khoảng 9% để tăng trưởng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phải thốt lên rằng, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ, hay toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang "tồn kho" tiền.

Nhiều chuyên gia dự báo, tín dụng từ nay đến cuối năm có thể sẽ khởi sắc, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn những tháng trước.

Tăng trưởng tín dụng chưa cao do thị trường xuất khẩu giảm

Ông Đậu Anh Tuấn - Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính của tăng trưởng tín dụng chưa cao là do thị trường xuất khẩu giảm, nên doanh nghiệp thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất.

Về điều hành chính sách tín dụng, ông Tuấn nhận định, giải pháp giảm lãi suất là quan trọng, nhưng việc giữ an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng không kém để hút các nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới.

Chỉ số xuất khẩu có thể tác động nhiều tới tăng trưởng kinh tế cũng như tín dụng.

Chỉ số xuất khẩu có thể tác động nhiều tới tăng trưởng kinh tế cũng như tín dụng.

Theo đó, Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI đề xuất các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu,…

Chuyên gia này cũng cho rằng không gian cho chính sách tiền tệ không còn nhiều, do đó cần có những giải pháp tổng thể cả về tài khóa, hành chính để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia lưu ý, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này cũng phải "bàn chuyện dài hạn", tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể "kéo 100 triệu dân đi lên" trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nghĩa cho rằng đây là khu vực có khả năng lan tỏa, trước mắt cần tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần có những chính sách để doanh nghiệp "thích thú với nhà ở xã hội" theo hướng Nhà nước làm chính sách, ngân hàng cho vay vốn, doanh nghiệp chỉ lo xây và bán nhà.

TS. Lê Xuân Nghĩa nêu lên các kiến nghị liên quan đến việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tái cấu trúc nền kinh tế; hỗ trợ ngành dệt may chuyển đổi công nghệ mới, chuyển đổi xanh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp…

Phía ngân hàng cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến kích cầu tiêu dùng, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, khôi phục niềm tin thị trường... để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Về tín dụng, các ngân hàng thương mại cho biết có thể chấp nhận rủi ro hơn, nhưng phải thu hồi được vốn và các dự án phải có cơ sở pháp lý chắc chắn…

Xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ khả quan hơn

Theo ý kiến của TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, có thể kỳ vọng vào chỉ số xuất khẩu có thể tác động nhiều tới tăng trưởng kinh tế cũng như tín dụng. Ông kỳ vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ khả quan hơn, đặc biệt là các ngành nông sản, điện tử được dự báo sẽ tích cực hơn so với giai đoạn trước.

Tính đến tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng. Kết quả này giúp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi, sau tình hình tương đối ảm đạm trong quý I.

Trong bức tranh chung của thế giới từ nửa cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa giảm do tổng cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát cao ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc. Tuy nhiên, riêng tại Mỹ, tính đến tháng 8, hàng tồn kho đã giảm xuống còn 10% (từ mức 20% hồi 6 tháng đầu năm), và dự báo sẽ tiếp tục giảm.

Theo ông Huân, với xu hướng đó, nhiều khả năng Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới sẽ nhập hàng trở lại, mở ra cơ hội cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ông dự báo dù mục tiêu khó đạt nhưng những tháng cuối năm, tín dụng có thể khởi sắc và tiệm cận với mức cơ quan quản lý đề ra, tương ứng với mức tăng trưởng khoảng 10-11%.

Ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng nhận định, nhóm khách hàng đầu tư công, xuất nhập khẩu, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, OCB đã tập trung xây dựng các chính sách phát triển khách hàng theo các phân khúc ngành, như thương mại tiêu dùng nhanh, logistics, nhà thầu thi công sửa chữa đường bộ và các công trình giao thông.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/huong-tin-dung-vao-cac-nganh-hang-co-trien-vong-tot-1095278.html