Hướng tới tiêu dùng 'xanh'

Nói 'không' với rác thải nhựa là một trong những mục tiêu mà ngành Công Thương Hà Nội đang hướng đến. Mục tiêu này đã, đang được hiện thực hóa bằng những giải pháp đồng bộ.

Cụ thể là tại các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ trên địa bàn, khi việc sử dụng túi giấy, túi ni lông tự phân hủy và các sản phẩm bao bì có nguồn gốc bột gạo, bột gỗ... đang ngày càng trở nên phổ biến.

Trung tâm thương mại Tasco Mall (quận Long Biên) sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường để gói nông sản. Ảnh: Trọng Hiếu

Trung tâm thương mại Tasco Mall (quận Long Biên) sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường để gói nông sản. Ảnh: Trọng Hiếu

Đồng lòng chống rác thải nhựa

Với mục đích góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội, các sản phẩm dùng một lần, như khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía thay thế túi ni lông và đồ nhựa được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, rau, củ, quả được gói bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…).

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã áp dụng các chương trình khuyến mại tặng quà đối với các khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Điển hình là AEON Việt Nam khi trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến “rent a bag”, khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và được hoàn lại phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ.

Tương tự, WinCommerce đã, đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp “xanh” tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart +. Cụ thể, WinCommerce sử dụng 100% túi ni lông tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành.

Việc thay thế túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh cũng được các hệ thống siêu thị, như Co.opmart, MM Mega Market, Vincom... triển khai đồng loạt.

Không chỉ các hệ thống siêu thị lớn mà hiện nay nhiều đơn vị, cửa hàng cũng hướng tới việc “xanh hóa” trong sản xuất và kinh doanh. Chị Nguyễn Thu Huyền, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân) cho biết: “Cửa hàng vẫn sử dụng khay giấy, túi giấy, túi ni lông tự phân hủy; ngoài ra, thực phẩm sẽ cho vào các hộp giấy để thân thiện với môi trường hơn”.

100% siêu thị không sử dụng túi ni lông khó phân hủy

Nhằm thay đổi nhận thức tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024.

Sản xuất ống hút công nghệ cao từ rau, củ, quả tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Hải Anh

Sản xuất ống hút công nghệ cao từ rau, củ, quả tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Hải Anh

Theo đó, thành phố phấn đấu đến hết năm 2024, 60-70% các chợ truyền thống và 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thực hiện chỉ đạo này, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp sản xuất, phân phối cùng chung tay giảm phát sinh rác thải nhựa từ sản xuất đến tiêu dùng.

“Đến nay, 100% các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại đã ký cam kết giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, thay thế túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh; đã có 16 đơn vị, doanh nghiệp vận hành 150 siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở bán lẻ trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia “Liên minh bán lẻ giảm tiêu thụ túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần”; cam kết cùng phối hợp giảm tiêu thụ túi ni lông dùng một lần tại các siêu thị, cơ sở bán lẻ thuộc doanh nghiệp quản lý”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, việc giảm thiểu rác thải nhựa và túi ni lông tại hệ thống chợ đã được UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ đưa vào nhiệm vụ trọng tâm, với nhiều hoạt động thiết thực nhằm thay đổi nhận thức của bà con tiểu thương và thói quen của người dân.

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để đạt mục tiêu đến năm 2025 các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường, các cơ quan, đơn vị cần phải tiến thêm một bước nữa là không phát miễn phí, đề nghị phải mua túi ni lông để khuyến khích khách hàng tự mang túi.

Có thể khẳng định sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, sự chung tay của doanh nghiệp sẽ giúp xu hướng tiêu dùng “xanh” ngày càng lan tỏa, góp phần tích cực trong cuộc chiến nói không với rác thải nhựa để bảo vệ môi trường sống.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:

Cần sự chung tay của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg đặt mục tiêu, đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; giảm dần sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt... Thành phố đặt mục tiêu hết năm 2024, 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng túi ni lông tiêu hủy...

Đây là mục tiêu không dễ dàng khi thời gian không còn nhiều, do đó, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng. Năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị tăng cường những giải pháp để hạn chế các sản phẩm nhựa trong ngành Công Thương, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Đây cũng là một trong những văn bản có tính quyết định trong giai đoạn tới đây khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân:

Thúc đẩy sự thay đổi tích cực về môi trường

Hành trình “xanh” của Central Retail Việt Nam khởi đầu mạnh mẽ thông qua loạt sáng kiến phù hợp với giá trị về trách nhiệm xã hội và tính bền vững của một tập đoàn bán lẻ, như: Chương trình bán túi Lohas không lợi nhuận; hỗ trợ đóng thùng giấy carton; khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi mua hàng; thí điểm sử dụng bao bì, khay đựng thức ăn chế biến được làm từ bã mía có khả năng phân hủy sinh học …

Mới nhất, trong ngày không túi ni lông và mang theo túi riêng vào thứ tư hằng tuần luân phiên tại các siêu thị Tops Market trên toàn quốc, hơn 170.000 túi ni lông đã được giảm thải ra môi trường sau gần 7 tháng triển khai. Cùng với đó, Central Retail tích cực thể hiện vai trò thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi ni lông khi sử dụng 100% túi thân thiện môi trường tại đại siêu thị GO! và Tops Market. Chúng tôi cho rằng, nhà bán lẻ có vai trò quan trọng trong thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Vì vậy, doanh nghiệp phải làm tốt việc truyền thông, phối hợp với các nhà cung cấp thay thế vật liệu bao gói thân thiện môi trường.

Chị Lê Minh Hoa (phường Giang Biên, quận Long Biên):

Người dân cần có trách nhiệm thay đổi thói quen tiêu dùng

Mỗi lần đi chợ, đi mua sắm, việc bớt một túi ni lông, không sử dụng túi ni lông là việc làm ý nghĩa, bảo vệ cho chính môi trường sống của mình. Hơn một năm nay, tôi không còn sử dụng túi ni lông dùng 1 lần khi đi chợ. Thay vào đó là chiếc túi vải vừa tiện dụng, bền chắc, lại thân thiện với môi trường.

Môi trường ngày càng ô nhiễm, nếu không có giải pháp giải quyết ngay từ bây giờ, tương lai của nhiều thế hệ trẻ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Tôi rất ủng hộ quyết tâm của thành phố trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Để môi trường phát triển bền vững, tôi nghĩ, mỗi người dân chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ cần được phổ cập kiến thức và đi đầu trong việc phân loại rác thải và tuyên truyền về tác hại của túi ni lông đối với môi trường sống. Vì thế, mọi người cùng có trách nhiệm và cùng thay đổi thói quen tiêu dùng. Đồng thời, Nhà nước và doanh nghiệp cần sáng chế ra các loại bao bì thân thiện với môi trường có giá cả hợp lý.

Quang Minh ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huong-toi-tieu-dung-xanh-649623.html