Hương vị rau cần

Những người con xa xứ như tôi, mỗi lần nhớ về quê hương không thể không nhớ về Tết quê. Nỗi nhớ ấy như sâu hơn, đằm hơn, chất chứa tầng tầng lớp lớp còn bởi hương vị riêng của thứ rau quê kiểng mà cứ làm vương vấn thêm nỗi lòng của những đứa con xa nhà.

Đó là rau cần. Và tôi càng thấm sâu hơn lời ca dao mẹ đọc ngày nào: “Có con mà gả chồng gần/Có bát canh cần nó cũng mang cho”.

Còn nhớ, khi kết thúc những đợt heo may là người dân quê tôi bắt đầu tháo nước trong ao, bơm cho cạn nước, móc bớt lớp bùn trên mặt ao, khử trùng bằng vôi bột cho sạch sẽ sau đó xuống giống rau. Sau khi xuống giống được 30-40 ngày là rau có thể nhổ để nhân giống sang những ao khác hoặc bán giống cho những nhà xung quanh khi họ có nhu cầu. Trong thời gian trồng để nhân giống ấy chỉ cần rắc một lần đạm là rau cứ thế mà tươi xanh, lấp kín những khoảng đất còn trống.

Nghĩ đến khoảng thời gian bố mẹ vất vả trồng rau, ngày lại ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để nuôi anh chị em chúng tôi khôn lớn trưởng thành, học hành thành người tử tế, tôi vẫn thường nhớ về hương vị những món ăn được chế biến từ cây rau thơm thảo của đất của quê qua bàn tay khéo léo của mẹ. Có thể nói, ít có loại rau nào chế biến được nhiều món ăn như rau cần của quê tôi. Mà nếu muốn làm cho ngon cho khéo, cho dậy mùi của món thì còn cần đến cả sự tâm huyết của người chế biến.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Trước hết, là món rau cần ăn chung với... mì tôm. Món này vô cùng đơn giản, dễ làm. Khi ta chế mì chỉ cần lấy một nắm nhỏ rau cần đã được làm sạch cắt hoặc vặt nhỏ ra lót dưới tô, bỏ mì và gia vị lên trên, sau đó chế nước sôi đậy nắp 2 đến 3 phút mở nắp ra ta có một tô mì với hương thơm đặc trưng của rau cần như quấn quyện lại để tạo ra một món ăn không thể thú vị hơn. Xa quê đã lâu, nhiều khi tôi chỉ muốn được trở về bên mẹ và nói: “Mẹ ơi cho con một tô mì rau cần!”.

Món tiếp theo là rau cần muối dưa. Món ăn thật đơn giản mà sao cứ vấn vương mỗi bước đường tôi đi, nó mang theo cả vị chua mát lẫn vị ngọt thanh của đời rau lẫn đời người đến giờ dư vị còn đọng nơi khóe miệng, sống mũi. Rau được làm sạch, để ráo nước, thêm một ít rau răm, trộn chung cho vào vại, hũ muối với công thức chung như người ta muối dưa cải, muối cà ghém hay muối sung... Nhà nào “sang hơn” có thể muối chung với bắp cải thì hương vị của món rau cần muối sẽ có sức níu kéo ta nhiều hơn.

Người quê tôi cũng thường dùng rau cần để chế biến các món xào: cần xào thịt bò, cần xào lòng ngan, cần xào dồi heo… Dường như các món xào ấy nếu kèm với rau cần thì đều làm cho món ăn như thấm hơn, đậm đà hơn, hương vị nồng nàn quấn quyện hơn, bay dậy mùi của quê hương khiến ta đi xa cũng không nguôi nhớ về…

Và, có một món mà tôi khó có thể quên được, đó là rau cần nộm cá lóc. Đây là món ăn riêng có ở quê tôi, trở thành đặc sản, thành “thương hiệu” của làng và làm cho mỗi người dân của làng đều rất tự hào mỗi khi nhắc tới.

Rau cần sau khi được làm sạch, trụng vào nước sôi, lấy ra cắt hoặc vặt vừa miếng, vắt khô nước. Cá lóc để nguyên con nướng than lửa, vàng đều có mùi thơm lấy ra cạo sạch vẩy, lọc bỏ ruột, lóc bỏ xương, thịt của cá băm vụn, xào chín. Các loại rau thơm rửa sạch. Vừng hạt rang chín để nguội giã sơ. Món này không thể thiếu được mắm tôm, xào chín. Khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, mẹ tôi cho tất cả vào trộn đều với nhau rồi múc ra đĩa là đã có ngay một món ăn độc đáo.

Lại một mùa xuân nữa, tôi ở xa. Một mùa Tết nữa, tôi không về bên mẹ. Không biết là nỗi nhớ mẹ có hương vị rau cần hay chính hương vị rau cần làm tôi nhớ mẹ nhiều hơn.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/huong-vi-rau-can-post267269.html