Hút thử thuốc lá điện tử, vào viện thật
Thuốc lá điện tử 'xâm nhập' ngày càng nhiều vào trường học.
Không ít trẻ, học sinh được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốc, hôn mê, kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc hóa chất có trong dung dịch của thuốc lá điện tử.
Thử hút thuốc, vào viện thật
Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine). Hầu hết thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm vào để dùng tiếp với tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotine), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotine)…
Chúng được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: Có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc như chiếc bút, ổ đĩa, hình thỏi son… nên học sinh dễ dàng sở hữu, có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện.
Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây…) cùng lời quảng cáo không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn”.
Vì được làm bằng hóa chất nên dung dịch của thuốc lá điện tử có thể dễ dàng cho thêm một số thành phần chất ma túy để tăng cảm giác của người dùng, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.
Chia sẻ thông tin trên, TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, viện dẫn: Khoa đã tiếp nhận nam sinh trường THCS ở Hà Nội trong tình trạng khó thở và co giật.
Theo thông tin khai thác từ gia đình, N.A ngoan, học giỏi, nhưng bố mẹ bận công việc nên ít có thời gian quan tâm, giám sát trẻ. Gần đây, N.A hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, và được rủ sử dụng thuốc lá điện tử.
N.A cho rằng chơi với các anh lớn tuổi, bản thân mình được trải nghiệm, “làm người lớn” hơn. Một lần, sau khi mua thuốc lá điện tử trên mạng và sử dụng, nam sinh xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, hoảng sợ, khó thở và lên cơn co giật, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi, điều trị tại Khoa Sức khỏe vị thành niên.
Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng gửi đến Viện Pháp y Quốc gia để tìm độc chất. Kết quả cho thấy có thành phần của một số chất gây nghiện. “Cháu bị ngộ độc chất gây nghiện do sử dụng thuốc lá điện tử”, TS.BS Ngô Anh Vinh kết luận.
Cách đây không lâu, nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn cũng lên cơn co giật, mất ý thức, hôn mê và được đưa đi cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử cùng nhóm bạn. Bác sĩ sau đó chẩn đoán, bệnh nhân bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại, theo dõi ngộ độc nicotine.
Khói trắng bay đi, nguy cơ ở lại
Nicotine gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng và gây ra ngộ độc cấp tính - TS.BS Ngô Anh Vinh.
Từ cuối năm 2022 đến nay, hàng loạt vụ ngộ độc do thuốc lá điện tử gây ra đối với học sinh được ghi nhận trên cả nước. Cụ thể, ngày 17/8/2022, Bệnh viện 199 - Bộ Công an (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cấp cứu một bệnh nhân ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu trong tình trạng choáng váng, hồi hộp, tay chân run, sau đó rơi vào hôn mê.
Tiếp đó, ngày 22/8/2022, 7 học sinh Trường THPT Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cùng hút thuốc lá điện tử, sau đó cảm thấy chóng mặt và nôn trong lớp. Cả nhóm được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế TX Quảng Yên.
Ngày 31/8/2022, 2 nam sinh của Trường CĐ Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh có biểu hiện trợn mắt, la hét kèm những hành động mất kiểm soát ngay trong lớp học. Sau khi được điều trị ổn định, các em tiết lộ trước đó đã sử dụng thuốc lá điện tử.
Tại Hà Nội, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn tối đa, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản.
Sau khi tỉnh, bệnh nhân nói có hút thuốc lá điện tử được bơm tinh dầu mua trên thị trường. Tiếp đó, 7 học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai được đưa vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu cũng từ nguyên nhân thử hoặc hít phải khói thuốc lá điện tử…
BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, dung dịch có trong thuốc lá điện tử là hỗn hợp nước, hương liệu thực phẩm, nicotine nồng độ khác nhau.
Dung dịch thuốc lá điện tử có thể dễ dàng cho thêm các loại ma túy lỏng như cần sa, propylene glycol (PG) hoặc glycerin thực vật. Thuốc lá điện tử được tuyên truyền là giảm hại so với thuốc lá truyền thống, nhưng thực tế lượng nicotine trong thuốc lá điện tử lại cao hơn.
Cụ thể, ở thuốc lá thông thường, hàm lượng nicotine từ 1,5 - 2%, cao nhất 3% (dành cho người nghiện nặng, hút 2 bao/ngày). Nhưng ở thuốc lá điện tử có sản phẩm hàm lượng chứa tới 3 - 5%. Và đặc biệt, khi dung dịch được đốt nóng, lượng nicotine xâm nhập cơ thể dễ dàng và nhiều hơn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine (sản phẩm gây nghiện).
Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế, lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 - một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...
Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, gia đình đóng vai trò quan trọng. Bố mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát các hoạt động trong cuộc sống trên cơ sở tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.
Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng. Cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và tác hại do sử dụng chất gây nghiện; tăng cường hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để giảm nguy xâm nhập vào trường học.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hut-thu-thuoc-la-dien-tu-vao-vien-that-post638263.html