Huy động mọi nguồn lực chăm lo cho trẻ em

Với quan điểm dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; ưu tiên nguồn lực chăm lo cho những mầm non của quê hương, đất nước.

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn huyện Tuy An nhận quà nhân Tháng hành động vì trẻ em. Ảnh: KIM CHI

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn huyện Tuy An nhận quà nhân Tháng hành động vì trẻ em. Ảnh: KIM CHI

Riêng trong năm 2024, ngoài nguồn ngân sách, tỉnh đã vận động được hơn 4 tỉ đồng để tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, giúp trẻ em có cuộc sống an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Nhiều hoạt động thiết thực

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân trong tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Các hoạt động vui chơi, giải trí, giáo dục, vận động… được tăng cường, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Nhiều hoạt động vì trẻ em được các sở, ban ngành, địa phương triển khai rộng khắp như: Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, diễn đàn trẻ em, tết Trung thu; bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại, bạo lực trẻ em…

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Trong năm qua, các địa phương trong tỉnh tổ chức lồng ghép các hoạt động chăm sóc trẻ em nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6...

Trong Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức, như tặng quà, biểu dương trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập; biểu dương những tập thể, cá nhân gương mẫu, tận tụy đóng góp, cống hiến cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn được duy trì. Ban bảo vệ trẻ em cấp xã, phường, thị trấn và đội ngũ cộng tác viên trẻ em các thôn, buôn, khu phố thường xuyên được củng cố, kiện toàn.

Bên cạnh đó, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em, nhiều hoạt động như phẫu thuật tim, phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật vận động, hỗ trợ học bổng, tặng xe đạp, dụng cụ học tập... cho hơn 2.800 trẻ em trong tỉnh.

Em K Sor Y Khang ở buôn Bưng (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) thổ lộ: Chúng em ở vùng sâu, vùng xa, nên ít có các hoạt động vui chơi, giải trí như ở đô thị. Hằng năm vào các dịp lễ, tết thiếu nhi, được các cô chú tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tặng quà, bánh kẹo..., chúng em rất vui.

Còn em Trương Mộng Quỳnh ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) bị tim bẩm sinh nên cơ thể yếu ớt. Cha mẹ ly hôn, em sống với bà ngoại đã ngoài 70 tuổi, hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nhưng em vẫn cố gắng học tập và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Quỳnh cho biết: Cuộc sống của hai bà cháu thiếu thốn nhiều thứ nhưng em luôn cố gắng học hành chăm chỉ để tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Được các nhà hảo tâm, đơn vị hỗ trợ, em có thêm động lực vươn lên.

Hay như em Võ Phạm Chí Hào ở phường 6 (TP Tuy Hòa), mồ côi cha khi còn nhỏ. 13 năm qua, mẹ em một mình làm lụng vất vả để nuôi 2 con nhỏ. Hào nhỏ nhẹ: “Em rất vui khi nhận được suất học bổng 6 triệu đồng. Đây là nguồn động lực giúp em vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên trong học tập”.

Chị Phạm Thị Hạnh, mẹ em Hào xúc động: Tôi rất biết ơn các cấp, ngành, cơ quan đã quan tâm đến hoàn cảnh của gia đình chúng tôi. Dù khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng bươn chải, làm lụng để nuôi con học tập nên người. Tôi cũng mong muốn các chương trình dành cho trẻ em khó khăn tiếp tục được lan tỏa hơn nữa để tất cả trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều được giúp đỡ.

Trẻ em toàn tỉnh nhận quà từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Ảnh: KIM CHI

Trẻ em toàn tỉnh nhận quà từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Ảnh: KIM CHI

Đảm bảo môi trường sống an toàn

Bên cạnh các hoạt động dành yêu thương cho trẻ do các sở, ngành thực hiện, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh cũng tổ chức các chương trình Xuân yêu thương, Tuổi thơ vùng cao..., chia sẻ cùng người dân miền núi Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), Ea Trol (huyện Sông Hinh)... và các chương trình hỗ trợ đột xuất khác.

Năm 2024, tổng số tiền trung tâm kết nối hỗ trợ là hơn 550 triệu đồng và 15 chiếc xe đạp cho 1.902 trẻ em và 450 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trung tâm cũng đã tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho gần 5.000 học sinh tại 36 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh...

Theo ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh, để đảm bảo cho trẻ em có môi trường sống an toàn, thời gian qua, trung tâm thường xuyên phối hợp với Hội Thiện nguyện Đom đóm Phú Yên và các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em sống tại các vùng khó khăn, gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt..

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em Phú Yên cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác trẻ em, các sở, ban ngành, đoàn thể, gia đình… đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em có cuộc sống an toàn, lành mạnh.

Tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về triển khai thực hiện Chỉ thị 28, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Từ những chính sách và chương trình hành động vì trẻ em được ban hành, đưa vào cuộc sống, các vấn đề liên quan đến trẻ em đã được giải quyết; an sinh xã hội dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được đảm bảo; quyền trẻ em nói chung, quyền tham gia của trẻ em nói riêng được các cấp, ngành thực thi nghiêm túc và hiệu quả.

Mạng lưới bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội đã hình thành và ngày càng phát triển. Môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có sự chung tay góp sức không hề nhỏ của cộng đồng, xã hội.

“Năm 2025, nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em đều được thực hiện đầy đủ quyền của mình, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, các cấp chính quyền và toàn xã hội về chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em.

Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các gia đình, các cấp, ngành và các thành viên trong xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em thông qua công tác truyền thông. Đồng thời từng bước mở rộng chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức khác nhau, trong đó ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ, chăm sóc trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em; nâng cao mức trợ cấp xã hội và mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội để trẻ em phục hồi và hòa nhập cộng đồng”, bà Hiền cho biết thêm.

Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu vận động nguồn lực Quỹ Bảo trợ trẻ em đạt từ 1-1,5 tỉ đồng; tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp đạt 100%.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/326184/huy-dong-moi-nguon-luc-cham-lo-cho-tre-em.html