Huy động nguồn lực, đánh thức tiềm năng để Hà Nội tăng tốc, phát triển

Luật Thủ đô 2024 giao cho Hà Nội quyền được chủ động trong việc huy động cũng như sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách để phát triển, quy định này sẽ giúp Hà Nội tăng tính chủ động, huy động nguồn lực, đánh thức tiềm năng để Hà Nội tăng tốc phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội tại trụ sở Thành ủy Hà Nội ngày 17/8/2024. Ảnh: Thanh Hải

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội tại trụ sở Thành ủy Hà Nội ngày 17/8/2024. Ảnh: Thanh Hải

Phát huy vai trò nguồn lực của Thủ đô

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã định hướng: “Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của Thủ đô về văn hóa, khoa học, công nghệ. Phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực của đầu tư công kết hợp với khuyến khích, phát huy các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế…; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa định hướng này của Nghị quyết số 15-NQ/TW theo hướng đẩy mạnh phân quyền trong lĩnh vực đầu tư, đơn giản hóa quy trình thủ tục đầu tư, tăng cường biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đa dạng hóa mô hình, phương thức đầu tư mới, qua đó giúp thu hút đầu tư xã hội để hỗ trợ cho nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tài sản công nhằm thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại.

Trong các chính sách về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô trong Luật Thủ đô 2024, điểm đáng lưu ý là nguồn thu mới bổ sung cho ngân sách TP từ việc áp dụng một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Cùng với đó, điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Luật Thủ đô 2024 cũng trao quyền cho UBND TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính và các tổ chức khác trong nước, từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn để thực hiện dự án trọng điểm của TP, UBND TP báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định.

Cùng với đó, ngân sách TP được giữ lại toàn bộ phần ngân sách T.Ư được hưởng theo tỷ lệ phân chia các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP để tạo nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, cơ sở phải di dời. Để thúc đẩy phát triển bền vững, giảm phát thải và phát triển năng lượng tái tạo, khoản thu từ giao dịch tín chỉ các bon từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon sử dụng ngân sách TP là khoản thu ngân sách hưởng 100%...

Tháo gỡ nút thắt về huy động nguồn lực tài chính

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội đã chủ động ban hành Kế hoạch 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Được UBND TP giao tham mưu quy định chi tiết một số nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết, Sở đã có nhiều văn bản tham gia ý kiến, đề xuất đối với các cơ chế, chính sách trong xây dựng Luật Thủ đô, đặc biệt nổi bật là chính sách về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô tại các Điều 34, 35, 41, phần nào đã tháo gỡ được vướng mắc, nút thắt về huy động nguồn lực tài chính, về sử dụng nguồn lực tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô; về quản lý, sử dụng và nâng cao hiệu quả khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Thủ đô. Đồng thời, Sở Tài chính đã tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách do sở, ngành đề xuất; xây dựng các kịch bản về nguồn lực ngân sách...

Theo TS Bùi Việt Hương (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng về dân số, Hà Nội đang trải qua những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế, hạ tầng đô thị, đời sống xã hội. Tốc độ tăng dân số và dòng di cư từ các địa phương khác vào Hà Nội làm tăng gánh nặng lên các dịch vụ công và hạ tầng đô thị trong suốt nhiều năm qua. Hà Nội là TP trực thuộc T.Ư đông dân cư nhưng dân số phân bổ không đồng đều, tập trung vào phần lõi của đô thị. Trong nhiều năm, hệ thống giao thông, điện nước, y tế, giáo dục và môi trường vẫn phải đối mặt với nguy cơ không theo kịp tốc độ phát triển và quy mô dân số ngày càng tăng. Luật Thủ đô 2024 đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian vừa qua về vấn đề huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội...

Do đó, để thực hiện Luật Thủ đô đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với quy trình quản lý, giám sát khoa học, hiệu quả. Trong quá trình thực thi Luật Thủ đô 2024, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đều rất rõ ràng nhưng mỗi cơ quan quản lý có thẩm quyền riêng đối với các lĩnh vực khác nhau; nhiều lĩnh vực cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên khác nhau…

Trong khi đó, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam tin tưởng, với các giải pháp về huy động và sử dụng nguồn lực đang được nêu trong Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo ra những đột phá mới về phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, môi trường, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới.

Trích dẫn

Trích dẫn 1

Luật Thủ đô 2024 với nhiều quy định đặc thù cho phép Hà Nội làm được rất nhiều việc. Trong đó, Luật đã trao quyền cho TP Hà Nội chủ động hơn trong cơ chế tài chính, hỗ trợ học phí cho người học trên địa bàn TP không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục cũng như nhiều lĩnh vực khác để bảo đảm "Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huy-dong-nguon-luc-danh-thuc-tiem-nang-de-ha-noi-tang-toc-phat-trien.661298.html