Huy động nguồn lực xã hội bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường và hoạt động khai thác, đánh bắt không hợp lý đã và đang tác động đến hệ sinh thái dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, ngành Nông nghiệp đã huy động nguồn lực bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2021, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh có xu hướng giảm, bình quân giảm 0,64%/năm. Riêng năm 2021, sản lượng thủy sản khai thác giảm 234,6 tấn so với năm 2016. Mặt khác, nguồn lợi thủy sản nội đồng đã và đang bị tận diệt. Một số nơi vẫn xảy ra tình trạng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo từng giai đoạn; đẩy mạnh tuyên truyền nghiêm cấm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản.

Từ năm 2014 đến nay, ngành Nông nghiệp đã tổ chức gần 70 lớp tập huấn cho gần 3.200 người dân; in ấn hơn 12 nghìn tờ rơi; xây dựng 5 chuyên mục và 90 đĩa DVD tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phối hợp với các địa phương và phòng chức năng Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính 63 đối tượng với số tiền xử phạt 84 triệu đồng các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thu giữ và vận động tự nguyện giao nộp 642 bộ công cụ kích điện. Qua đó từng bước tiến tới loại bỏ hành vi khai thác thủy sản kiểu tận diệt.

Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh và các địa phương tổ chức thả cá tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn.

Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh và các địa phương tổ chức thả cá tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn.

Hằng năm, ngành Nông nghiệp phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh và các địa phương tổ chức thả cá tại các thủy vực tự nhiên. Từ năm 2016 đến nay đã thả hơn 30 tấn cá giống các loại gồm trắm, chép, mè, trôi, chày.

Ngoài ra, các huyện, thành phố bằng nguồn ngân sách địa phương đã thả hàng nghìn kg cá giống vào các thủy vực sông, hồ; Giáo hội Phật giáo tỉnh huy động các tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm mỗi năm phóng sinh một lượng lớn giống cá các loại ra thủy vực sông, hồ, góp phần bổ sung, tái tạo và phát triển đa dạng các loại thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ hơn 1,8 triệu con cá chép lai, hơn 1,2 triệu con cá trắm cỏ và 3,42 triệu con cá rô phi đơn tính trên diện tích 535 ha cho 437 hộ; hỗ trợ 6 nghìn con cá tầm, gần 6.700 con cá nheo Mỹ, 22 nghìn con cá trắm cỏ, 1 nghìn con cá trắm đen và 64 nghìn con ếch Thái Lan trên thể tích 6.400 m3 cho 15 lượt hộ trên địa bàn 5 huyện, thành phố: Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên, Tam Đảo, Yên Lạc.

Cơ cấu các loài thủy sản thả nuôi của tỉnh có sự thay đổi rõ rệt, các loài có giá trị kinh tế ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu các đối tượng thủy sản như tăng tỷ lệ cá trắm, chép, rô phi; giảm tỷ lệ các loài cá giá trị thấp như trôi, mè. Năng suất nuôi trồng thủy sản bình quân năm 2024 ước đạt 3,4 tấn/ha, tăng 6,3%; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 21.745 tấn, tăng 4% so với năm 2020.

Để tổ chức khai thác thủy sản hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, đề ra các giải pháp hạn chế tối đa tình trạng người dân khai thác thủy sản bằng xung điện, kích điện; khai thác nguồn lợi thủy sản hợp lý gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi trên các hệ thống sông, hồ, đầm tự nhiên.

Cùng với đó lưu giữ giống gốc, bảo tồn, khai thác các nguồn gen thủy sản quý, hiếm, đặc hữu của địa phương. Xây dựng một số khu bảo vệ đối với loài thủy sản có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh tại sông Lô và sông Hồng để bảo vệ bãi đẻ của một số loài cá di cư như cá chày, cá lăng, cá chiên, cá rầm xanh, cá mòi cờ hoa.

Nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động, hình thức khai thác thủy sản, nghiêm cấm và xử phạt những hành vi khai thác xâm hại đến nguồn lợi thủy sản. Thực hiện điều tra, đánh giá đa dạng sinh học nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên nhằm duy trì và phục hồi hệ sinh thái cho các thủy vực.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126606//huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-bo-sung-tai-tao-nguon-loi-thuy-san