Huy động trái phiếu doanh nghiệp phải minh bạch, đúng pháp luật

'Hiện nay không có một chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp'. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sáng nay, 8.6.

Liên quan đến sai phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu vấn đề: "Theo Bộ trưởng, có phải một phần nguồn cơn trên chính là sự yếu kém, bất cập của các cơ quan chức năng. Bộ trưởng có giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần là "không quản được thì cấm" ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường?

Việc so sánh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của ta với các nước cũng khập khễnh, vì các nước có lịch sử rất lâu đời, mình thì mới, còn rất sơ khai. Vấn đề quan trọng là riêng năm 2021 tăng rất đột biến và để xảy ra những sai phạm. Nếu 2020 chỉ có khoảng hơn 4% GDP, nhưng đến 2021 đã tăng lên 15% GDP, trong khi đó mục tiêu chúng ta đến 2025 chỉ có 20% GDP. Bây giờ cũng cần phải rà soát lại xem chính sách, pháp luật có gì bất cập và sơ hở không? Nghị định 153 chúng ta ban hành về lĩnh vực này như thế nào? Hướng tới đây hoàn thiện việc này như thế nào? Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ra sao? Mặc dù cơ quan nào cũng nói rằng không có động thái siết thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhưng trong thực tế 4 - 5 tháng đầu năm nay hầu như không có phát hành và những vấn đề liên quan đến nợ đến hạn của một số trái chủ, những người phát hành trái phiếu Chính phủ, thì khả năng khi đến hạn phải trả của năm nay rất lớn, thanh khoản của lĩnh vực này như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm báo cáo thêm với Quốc hội trong lĩnh vực này. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

"Hiện nay không có một chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp". Khẳng định điều này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, bởi thực ra trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch, và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 1.374.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% GDP. So với mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì đến năm 2025 chúng ta phải đạt được 20% GDP và đến năm 2030 đạt được 25% GDP. Hiện nay "mới đạt 15% GDP, tức là đang ở trong khoảng cho phép". Cũng theo Bộ trưởng, so với các nước xung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của chúng ta huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện, tuy nhiên, "việc huy động phải minh bạch và phải đúng pháp luật".

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Thu thuế thương mại điện tử - rất gian nan nhưng chúng tôi sẽ cố gắng

Liên quan đến quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tuy có sự quan tâm và có sự chuyển biến nhưng theo đánh giá số thu này chưa tương xứng với doanh thu khủng của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới ở Việt Nam, như Google, Facebook hay Netflix, có thể gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, nguy hại hơn là tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Nêu thực trạng này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông chất vấn: Bộ trưởng có giải pháp nào trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng nêu rõ "đây là một vấn đề rất khó. Bộ Tài chính đã chủ động đấu tranh trong lĩnh vực này". Như kỳ trước chúng tôi đã báo cáo là chúng ta đã thu được trên 5.000 tỷ đồng về sàn thương mại điện tử, và mấy tháng đầu năm nay, chúng tôi đã thu được gần 500 tỷ đồng. Hiện nay chúng ta có khoảng trên 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác. Bộ trưởng cho biết, đã thiết lập Cổng đăng ký và thanh toán xuyên biên giới. Như vậy, các doanh nghiệp xuyên biên giới có thể đăng ký để nộp thuế. Thời gian vừa qua Facebook nộp 1.965 tỷ đồng, Google là 1.902 tỷ đồng, Microsoft là 651 tỷ đồng và hết quý I.2022, phí phát sinh của Microsoft là nửa triệu và TikTok là 45,6 tỷ đồng...

Nêu ra những con số như vậy, Bộ trưởng cho rằng, "việc quản lý sàn thương mại điện tử phải nói rất khó, vì máy chủ đặt ở nước ngoài và thực hiện phương thức thanh toán bằng tiền mặt". "Chúng tôi thấy việc này rất gian nan nhưng chúng tôi sẽ cố gắng". Khẳng định điều này, Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã thực hiện kê khai, xây dựng cổng, quy định mức thu và thông báo, vận động, giải thích để cho các sàn thương mại điện tử cũng như các ông chủ công nghệ phải đăng ký nộp thuế. "Vừa rồi, chúng tôi định ban hành thông tư, tuy nhiên vấp phải sự phản ứng của dư luận. Chẳng hạn, chúng tôi quyết định sàn thương mại điện tử thì có thể được ủy quyền để nộp thuế cho những người tham gia sàn hay anh phải chịu trách nhiệm nộp thay cho các người tham gia trong sàn thương mại điện tử, dư luận cho rằng việc đấy không đúng, là vì sàn thương mại điện tử giống như chợ, không bắt ông chủ chợ nộp được mà phải tìm từng ông khách để nộp, đúng là cũng rất khó khăn cho cơ quan quản lý". Phản ánh thực tế này, Bộ trưởng cũng nêu rõ, "đang nghiên cứu và tìm phương án tối ưu nhất để thực hiện được vấn đề thu trên sàn thương mại điện tử".

Anh Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/huy-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-phai-minh-bach-dung-phap-luat-i291449/