Hủy hoại nhan sắc vì 'thẩm mỹ viện' dỏm: Banh dung nhan, tàn vóc dáng

L.T.S: Nhiều trường hợp tai biến do tự làm đẹp hoặc phẫu thuật không an toàn tại nhiều cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép. Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra nhiều vụ tai biến khi làm đẹp. Dù đã được nhiều lần cảnh báo nhưng nhiều người vẫn 'tiền mất tật mang'.

Sự bùng nổ của thị trường và các sản phẩm làm đẹp cũng như nhu cầu "tút tát" nhan sắc, giảm cân của chị em gia tăng cũng kéo theo các vụ tai biến liên tục xảy ra

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nỗ lực cứu chữa nữ bệnh nhân L.T.D (31 tuổi, ở Sơn La) sau khi làm đẹp theo mạng xã hội. Chị D. được đưa đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, tính mạng nguy kịch do tổn thương cơ quan (não, thận, gan, tim).

Nữ bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng do chất làm đẹp phải chạy ECMO cấp cứu

Nữ bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng do chất làm đẹp phải chạy ECMO cấp cứu

Suýt chết sau làm đẹp

Người nhà cho biết chị D. bị nám khá nhiều trên mặt nên khi đọc trên mạng loại kem dưỡng rất rẻ, chỉ 50.000 đồng/hộp có công dụng tẩy nám, chống nám, chị đã mua dùng. Thấy mảng nám mờ dần, chị tiếp tục tăng liều cho đến một ngày chị bất ngờ bị ngất, hôn mê và được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu sau đó chuyển tiếp về tuyến trung ương. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thời điểm nhập viện bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng nhưng qua kiểm tra, xác định bệnh nhân nhiễm độc thủy ngân với hàm lượng rất cao. "Thủ phạm" được tìm thấy là lọ kem dưỡng, chống nám bệnh nhân bôi suốt 1 năm nay. "Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng thủy ngân vượt hàng ngàn lần so với mức cho phép. Trong lọ kem nữ bệnh nhân mang đến, hàm lượng thủy ngân là 6.978,7 mg/kg" - bác sĩ Nguyên nói.

Sau 3 tuần điều trị tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm nhưng thời gian điều trị còn phải rất dài ngày để đẩy thủy ngân ra ngoài. Theo bác sĩ Nguyên, trong thời gian qua tại đây đã tiếp nhận 4 trường hợp khác cũng nhiễm độc thủy ngân khi dùng kem chống nám, kem làm trắng trôi nổi trên mạng. Các loại kem không rõ nguồn gốc, bị trộn thủy ngân vào với mục đích làm trắng da, ngăn ngừa nám, do hợp chất muối của thủy ngân có tác dụng làm trắng da, ức chế sự hình thành melanin (sắc tố da) khiến các vết nám mờ đi, da sáng hơn. Nhưng ngược lại, người bệnh nhiễm độc thủy ngân rất nguy hại. "Nhiễm độc thủy ngân gây tổn thương nhiều cơ quan nội tạng, như suy thận, tổn thương não, viêm não, rối loạn tâm thần, thị lực, mù mắt, giảm khả năng nhìn, phân biệt màu sắc. Đặc biệt, quá trình điều trị thải độc thủy ngân kéo dài hàng tháng và người bệnh phải chịu các di chứng từ nhiễm độc rất nặng nề" - bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực đã phải đưa hệ thống can thiệp ECMO (tim phổi ngoài cơ thể) về một bệnh viện ở Vĩnh Phúc (cách 40 km) để cứu nữ bệnh nhân 41 tuổi bị sốc phản vệ độ 4 sau khi tự tiêm meso - chất làm đẹp giúp da căng bóng. Trước đó người phụ nữ này được tư vấn liệu trình làm đẹp tại nhà. Tuy nhiên, ngay sau khi tiêm chất làm đẹp, người này bắt đầu có biểu hiện chóng mặt và khó thở. Người thân đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị sốc phản vệ nặng do chất làm đẹp. Tình trạng người bệnh tiếp tục diễn biến xấu, không thể chuyển viện do nguy cơ tử vong trên đường nên các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã đưa máy ECMO đến bệnh viện cấp cứu. Sau hơn 1 tuần lọc máu và điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi phục, được xuất viện.

Lọ kem bệnh nhân sử dụng có hàm lượng thủy ngân vượt hàng ngàn lần so với mức cho phép. Ảnh: NGỌC DUNG

Lọ kem bệnh nhân sử dụng có hàm lượng thủy ngân vượt hàng ngàn lần so với mức cho phép. Ảnh: NGỌC DUNG

Tay ngang làm liều

Tại TP HCM, Bệnh viện Da Liễu cũng vừa tiếp nhận trường hợp áp xe vùng mặt sau căng da mặt trẻ hóa da bằng chỉ. Nữ bệnh nhân 31 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM đến khám trong tình trạng có mảng hồng ban vùng má bên phải, có mụn mủ, nóng, đau sau thực hiện kỹ thuật căng chỉ nâng cơ mặt tại một cơ sở thẩm mỹ. Bệnh nhân cho biết do mặt bị nọng nên cách đây 4 tháng chị có tìm hiểu trên mạng về phương pháp căng chỉ để nâng cơ để cải thiện tình trạng gương mặt. Sau đó chị đến một cơ sở thẩm mỹ của người quen để căng chỉ vùng mặt (theo bệnh nhân, người thực hiện căng chỉ không phải là bác sĩ). Tại đây, chị đã được cấy 8 sợi chỉ ở bên vùng má phải, 6 sợi chỉ bên vùng má trái với chi phí sau khi giảm 50% còn 7 triệu đồng. Sau khoảng 3 tuần thực hiện căng chỉ thì vùng má bên trái bị sưng, đốm đỏ, hơi đau. Liên hệ với người thực hiện, chị được hướng dẫn uống thuốc giảm đau, kháng viêm nhưng sau khoảng 3 tuần, vùng má trái bị sưng mủ, cơ sở thẩm mỹ này đã hoàn tiền và đưa chị đến một bệnh viện thẩm mỹ để rạch lấy mủ, rút chỉ ra… Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn. Tiếp đó, vùng má bên phải lại xuất hiện mảng hồng ban kèm mụn mủ, nóng, đau…

PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Da Liễu, cho biết bệnh nhân bị áp xe do quá trình thực hiện căng chỉ tại cơ sở không được vô khuẩn nên khi căng chỉ đã đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào trong gương mặt. Bệnh nhân sau đó được chỉ định phẫu thuật để xử lý ổ áp xe, lấy các sợi chỉ ra. Tuy nhiên, do thời gian bệnh nhân căng chỉ cũng đã khá lâu (khoảng 4 tháng), sợi chỉ lại ngâm trong môi trường nhiễm khuẩn nên bị vỡ mủn ra khiến quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn. Phải xử lý nhiều lần và khả năng khôi phục gương mặt như ban đầu rất khó.

"Biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại, vì khi đưa sợi chỉ bị nhiễm khuẩn vào trong da mặt đến khi muốn lấy ra cực kỳ khó, không lấy được hết toàn bộ. Vì sợi chỉ được ngâm trong môi trường nhiễm khuẩn tức là môi trường axít nên đụng đến đâu thì vỡ đến đó, có nghĩa là sợi chỉ đã tan ra nguyên một vùng mặt và không thể nạo hết toàn bộ gương mặt vì sẽ gây ra biến dạng khuôn mặt. Có thể nói biến chứng căng chỉ rất khủng khiếp, đáng là một báo động đỏ" - bác sĩ Liêm nhấn mạnh.

Theo các bác sĩ, căng da bằng chỉ (hay còn gọi là căng chỉ collagen, căng chỉ sinh học) là phương pháp làm đẹp không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn. Sợi chỉ sinh học sau khi được đưa vào dưới da sẽ có thể tạo thành lớp lưới giúp cho làn da chùng nhão được kéo căng ngay lập tức và không còn tình trạng chảy xệ hay nhăn nheo. Đồng thời, sợi chỉ kích thích sản sinh collagen từ bên trong. Phương pháp này được đánh giá có độ an toàn cao. Tuy nhiên, cũng như các phương pháp làm đẹp khác, nó vẫn tiềm ẩn những rủi ro như: gây chảy máu; gây phù nề; mất đối xứng hai bên; nhiễm khuẩn hoặc về lâu dài có thể u hạt, thậm chí có thể tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh tuyến mang tai..., có thể gây liệt cơ mày, mí mắt, thậm chí cơ miệng.

20 năm khốn khổ

TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc (TP HCM), cho hay ông cùng ê-kíp các bác sĩ vừa nỗ lực để cứu một phụ nữ ở miền Tây tốn tiền tỉ sau nhiều lần nâng mũi nhưng bị biến dạng, co rút, bít tắc, chỉ còn thở bằng đường miệng. Trước đó, bệnh nhân đi làm đẹp nâng mũi tại nhiều cơ sở làm đẹp (đặt sóng nhân tạo, sụn, cấy mỡ tự thân) và đã qua 7 lần chỉnh sửa nhưng vẫn thất bại và phải chịu đựng khốn khổ suốt hơn 20 năm qua với chiếc mũi biến dạng. Đây là một trường hợp mũi bị biến dạng phức tạp, mô sẹo được hình thành co cứng do can thiệp phẫu thuật quá nhiều lần. Đầu mũi co rút, trụ mũi sụp hoàn toàn, sụn vách ngăn vẹo lệch nên phải tái cấu trúc toàn bộ mũi. Qua hơn 5 giờ, ê-kíp phẫu thuật đã cắt gọt vỏ sụn sườn hóa thạch, tái tạo lỗ thở mới.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Theo các bác sĩ, các thủ thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, chưa kể đến việc thủ thuật đó có được thực hiện bảo đảm ở cơ sở đủ tiêu chuẩn hay không. Theo PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, các tai biến hay gặp phải gồm tai biến do tiêm filler, botox, laser, peel da không an toàn, thậm chí có nhiều can thiệp vượt quá mức của cơ sở thực hiện... Nguyên nhân là do người dân thực hiện các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở không rõ đăng ký, nhân viên thực hiện can thiệp không phải bác sĩ, trong khi nhiều người có tâm lý làm đẹp bằng cách truyền tai, mách bảo nhau sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng thời gian sử dụng...

"Điều đáng nói là việc sửa chữa lỗi do thẩm mỹ phức tạp gấp nhiều lần. Bệnh nhân không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn suy giảm sức khỏe, thậm chí nguy kịch tính mạng. Thực tế cũng đã ghi nhận nhiều ca tử vong sau tiêm filler. Đa số các tai biến, biến chứng gặp phải đều rơi vào cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép. Người thực hiện các can thiệp xâm lấn thậm chí chỉ là thợ cắt tóc, gội đầu "học lỏm" từ các khóa đào tạo bên ngoài nên một khi xảy ra biến chứng thì rất nặng nề, kéo theo hàng loạt tai biến" - PGS Doanh cảnh báo.

Nguyên nhân của những biến chứng thường do tay nghề của bác sĩ kém hoặc người thực hiện không phải là bác sĩ, chưa được đào tạo bài bản, không tuân thủ quy trình trong khi thực hiện...

(Còn tiếp)

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huy-hoai-nhan-sac-vi-tham-my-vien-dom-banh-dung-nhan-tan-voc-dang-19624062620353659.htm