Huyện Duyên Hải: Phát triển nuôi dê sinh sản

Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

Bà Bùi Thị Nhậm, Khóm 2, thị trấn Long Thành chăm sóc đàn dê sinh sản.

Bà Bùi Thị Nhậm, Khóm 2, thị trấn Long Thành chăm sóc đàn dê sinh sản.

Trước đây, kinh tế của gia đình bà Bùi Thị Nhậm, Khóm 2, thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải chủ yếu nuôi tôm - cua theo hình thức quảng canh cải tiến trên diện tích 0,6ha. Bà Nhậm cho biết: do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn sản xuất, những năm qua, gia đình bà ngoài việc đi làm thuê và nuôi tôm - cua theo hình thức bán thâm canh để tăng thu nhập. Chi phí đầu tư nuôi tôm - cua theo hình thức thâm canh thấp, có nguồn thu nhập thường xuyên, bình quân thu nhập 02 triệu đồng/tháng. Khi cua nuôi được khoảng 02 tháng tuổi bà thu hoạch tỉa dần bán để mua thức ăn như tôm, cá vụn trộn với một ít thức ăn công nghiệp cho tôm ăn.

Để có thêm thu nhập, sau khi được trang bị kiến thức về chăn nuôi gia súc, bà nhận thấy mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả cao, chi phí thấp phù hợp với điều kiện của gia đình nên bà mạnh dạn vay vốn 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi dê sinh sản. Ban đầu bà xây dựng chuồng trại thiết kế theo kiểu chuồng sàn và 03 con dê sinh sản bước đầu đạt kết quả khả quan, giá dê dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 120.000 - 140.000 đồng/kg. Nhận thấy nuôi dê sinh sản nhẹ công chăm sóc, chi phí thấp, lợi nhuận khá nên mỗi đợt dê sinh sản bà chọn những con dê có tầm vóc đẹp, khỏe tăng đàn dê nuôi, nâng đến nay khoảng 23 con, trong đó có 10 con dê sinh sản bình quân từ 02 - 03 con/năm, xuất bán 10 con/đợt, lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/đợt.

Từ mô hình nuôi dê của gia đình bà Nhậm nay đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn và một số địa phương lân cận. Để tránh trường hợp đàn dê nuôi phá phách các loại rau màu, cây ăn trái và khu vực nuôi tôm trong vùng, hiện nay các hộ dân nuôi dê với phương thức thâm canh (nuôi nhốt) trên chuồng sàn và có sân phơi để dê vận động.

Với diện tích 1.000m2 đất trồng cỏ, nông dân Lê Văn Hạnh, ấp Tân Thành, xã Long Thành, huyện Duyên Hải đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi dê sinh sản. Nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả nên đàn dê sinh sản nuôi của gia đình luôn đạt hiệu quả cao, bình quân xuất bán 15 con/năm, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/năm.

Ông Hạnh cho biết: hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào làm thuê và canh tác 1.000m2 đất, sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi do địa phương tổ chức, nhất là trong Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, hầu hết người dân đều chọn vật nuôi chính như heo, bò, gà, vịt,…

Tuy nhiên, ông nhận thấy con dê là vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, chi phí đầu tư thấp so với những con nuôi khác, giá bán ổn định và có nguồn thu nhập ổn định. Quan trọng lượng chất thải từ chăn nuôi dê ra môi trường ít, dễ xử lý là điều kiện thuận lợi giảm ô nhiễm môi trường. Từ đó ông mạnh dạn đầu tư và duy trì 06 năm qua với tổng đàn hiện có 20 con, trong đó 12 con dê sinh sản. Do nguồn thức ăn nuôi dê rất phong phú từ cỏ, lá cây rừng đến các loại phế phẩm trồng trọt nên giảm nhiều chi phí chăn nuôi.

Trong quá trình chăm sóc dê sinh sản, chú trọng nhất là khâu vệ sinh môi trường và phòng ngừa một số bệnh trên dê. Nhờ có nguồn thu nhập từ nuôi dê gia đình ông có cuộc sống ổn định, sắp tới đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trại tăng đàn dê sinh sản lên 20 con.

Đồng chí Ngô Nhựt Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Khánh cho biết: ngoài mô hình nuôi dê sinh sản, Hội Nông dân xã chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình gắn với xây dựng Chi hội trong sạch, vững mạnh như: nuôi vọp, nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất sản phẩm an toàn... từ đó các chi, tổ hội vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện các phong trào và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2022, Hội tham gia cùng địa phương giảm 17 hộ hội viên nông dân nghèo và cận nghèo, năm 2023, Hội phấn đấu xóa 04 hộ hội viên nông dân nghèo.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/huyen-duyen-hai-phat-trien-nuoi-de-sinh-san-29824.html